Kiếm tiền từ V-League

ANTĐ - Sự khởi sắc của V-League ở mùa 2015 đang mang về những khoản tiền không nhỏ cho các CLB, Hội CĐV và cả nhà tổ chức. 

Kiếm tiền từ V-League ảnh 1Tín hiệu tích cực của giải đấu mang lại lợi ích cho đội bóng, CĐV và ban tổ chức

Chỉ đạo quan trọng nhất của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh với lãnh đạo ngành thể thao và giới quản lý bóng đá nói riêng tại cuộc họp mới đây là làm sao để kéo khán giả tới các sân cỏ ngày một đông. Đây cũng là một trong những đòi hỏi của Toyota khi đặt bút ký tài trợ mùa 2015 với Công ty VPF.

 Sau 6 vòng đấu, điều này đã phần nào được đáp ứng. Sự xuất hiện của lứa trẻ HAGL tại giải đã tạo nên cơn sốt trên nhiều sân cỏ, kéo theo đó là những khán đài chật kín khán giả mỗi khi đội bóng phố Núi thi đấu. Điều này mang về khoản tiền lời khổng lồ từ việc bán vé cho HAGL và cho chính các đối thủ của họ. Không chỉ có HAGL, các đội bóng còn lại cũng thể hiện lối chơi quyết tâm, cống hiến qua 6 vòng đấu. Những đội bóng có lượng CĐV hùng hậu như SLNA, Bình Dương, Hải Phòng, Than Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Đà Nẵng… tiếp tục thu về khoản tiền lớn từ bán vé.

Đặc biệt ở mùa năm nay, nhiều đội bóng như HAGL, ĐTLA hay tân binh Cần Thơ nổi lên như một hiện tượng với các khán đài đầy ắp khán giả ở nhiều trận đấu của đội nhà. Bên cạnh tiền vé, các đội bóng này còn thu lời từ bán đồ lưu niệm, cổ động.

Điển hình trong số này có HAGL với 1.000 áo đấu in tên cầu thủ được hâm mộ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được bán hết chỉ sau 1-2 vòng đấu. Với giá 200.000 đồng/áo, đội bóng phố Núi bỏ túi khoảng 200 triệu đồng. Với CLB ĐTLA, nếu như ở 2 mùa trước, đội phải bỏ tiền in áo và phát miễn phí để tặng CĐV mặc đi cổ vũ thì năm nay đã chính thức thu lời. 300 áo đấu ghi tên những trụ cột như như Tài Em, Quang Thanh, Chí Công... có giá 150.000 đồng/áo đã được người hâm mộ Long An mua hết sạch trong vòng nửa ngày trước trận đấu với đội khách HAGL ở vòng 2 hôm 11-1. Đó là chưa kể dải băng cầm hoặc đeo tay có giá 20.000 đồng cũng được CLB bán hơn 200 cái kể từ đầu giải.

Chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm cho biết: “Ban đầu đội chỉ in thử nghiệm vì sợ bán không có người mua nhưng hiệu ứng tích cực sau đó khiến chúng tôi thật sự bất ngờ và tổ chức in thêm 2.000 áo đấu nữa để bán. Nếu bán hết số này được 300 triệu đồng, trừ chi phí in ấn cũng mang lại khoản thu không nhỏ cho đội bóng”. Trong thời buổi kinh tế khó khăn thì những khoản tiền có được từ tiền bán vé và bán áo đấu là rất đáng quý với các đội bóng. Nếu biết cách phát huy tốt những mặt tích cực đang có, tương lai, các đội ở V-League có thể kiếm lời từ giải đấu, thay vì chịu lỗ như 14 mùa giải qua.

Không chỉ CLB mà Hội CĐV cũng hưởng lợi từ hiệu ứng tốt đẹp mà đội nhà mang lại. Hội CĐV SLNA tiết lộ một thông tin bất ngờ, đó là mỗi mùa Hội này bán được khoảng 7.000 áo đấu, thu lời hơn 900 triệu đồng. Số tiền này giúp hội “sống khỏe” và chăm chút tốt hơn cho các kế hoạch, hoạt động cổ vũ đội nhà. Hiệu ứng tốt trên sân của cầu thủ giúp Hội CĐV thu lời và ngược lại, hình ảnh cổ vũ chuyên nghiệp của CĐV trên khán đài giúp tăng giá trị quảng bá (kèm theo đó là hợp đồng tài trợ) cho đội nhà. Sự hỗ trợ qua lại giúp các bên đều mang lại lợi ích.

Cùng với đó, Ban tổ chức giải cũng là đối tượng hưởng lợi. Tín hiệu tích cực từ các đội bóng góp phần tạo bộ mặt tươi mới cho giải đấu. Đó là động lực để thu hút tài trợ và bán bản quyền truyền hình - 2 “mỏ vàng” ngủ yên suốt 14 mùa giải đã qua. Vui với những tín hiệu lạc quan và thành công thương mại ban đầu của các đội bóng, nhà tổ chức nhưng để nguồn lợi đó kéo dài, cần sự vun xới của tất cả các bên. Nạn bạo lực manh nha trở lại ở vòng 6 khi có tới 5 thẻ đỏ, 36 thẻ vàng đang có nguy cơ ảnh hưởng tới “nồi cơm” của các thành viên giải đấu. Muốn giữ “nồi cơm”, cách tốt nhất là mạnh tay bài trừ những hình ảnh xấu xí khỏi giải đấu và việc Ban Kỷ luật ra thêm án phạt nguội với hành vi thô bạo của cầu thủ ở vòng 6 là một trong những hành động cần thiết, kịp thời.