Kiếm tiền lương thiện

ANTĐ - Tết Nguyên đán sắp đến, ngành du lịch lại bắt tay vào mùa cao điểm đón du khách quốc tế. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Du lịch, trong tháng đầu năm 2015, số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là những thị trường khách chiếm tỷ lệ cao đều giảm sút tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ khách ngoại không quay trở lại Việt Nam lần thứ hai vẫn ở mức cao, lên tới 65%. Điểm mạnh của du lịch Việt Nam đã được nói tới nhiều, những điểm yếu cũng được “mổ xẻ”, song bức tranh du lịch chưa xuất hiện nhiều điểm sáng.

Mặt mạnh của ngành du lịch ai cũng nói giống nhau. Có ý kiến thẳng thắn chỉ rõ, thế mạnh ấy là “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sụt giảm. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép và “chặt chém” khách hiện vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Mới đây, chính quyền TP Vũng Tàu đã xử lý mạnh tay, với hình phạt nghiêm khắc, một chủ quán ăn “chặt chém” du khách người Nhật.

Còn nhớ, năm 2014, đại diện Tổng cục Du lịch đã xử lý một vụ lái xe taxi “chặt chém” du khách người Úc trên đường phố Hà Nội. Đây chỉ là nỗ lực nhỏ nhằm lấy lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách bốn phương. Một số chuyên gia du lịch quốc tế đưa ra sự so sánh điểm mạnh và điểm yếu của du lịch Việt Nam với Singapore. Việt Nam hiện đang sở hữu 8 di sản vật thể và 14 di sản phi vật thể, trong khi Singapore không có một di sản nào, diện tích chỉ bằng 1/470, dân số bằng 1/8 so với Việt Nam, song lượng khách quốc tế lớn gần gấp đôi. Chưa kể, Việt Nam mỗi năm có tới hơn 8.000 lễ hội, luôn “hoành tráng” về chi tiêu nhưng nghèo nàn về nội dung, kém hiệu quả về du lịch. Trong khi  du lịch ở các nước láng giềng, mỗi năm đều có những đột phá, điểm nhấn để cạnh tranh và thu hút du khách, thì du lịch Việt Nam năm nào cũng giống năm nào...

Mục tiêu của ngành du lịch - “công nghiệp không khói” - không chỉ nhắm tới du khách nước ngoài, níu chân thời gian lưu trú, mạnh tay chi tiêu. Khách nội địa cũng chiếm thị phần không kém quan trọng, nhất là trong dịp nghỉ Tết dài ngày cũng như các lễ hội kéo dài suốt cả năm. Rõ ràng, ngành du lịch không thể chỉ mãi xử lý phần ngọn. Mọi người kinh doanh du lịch, thông qua các hiệp hội, cần tẩy chay nạn chèo kéo, “chặt chém”, đề cao cách kiếm tiền lương thiện. Chỉ có như vậy mới làm trong sạch môi trường du lịch.