Kiểm soát nợ công

ANTĐ - Quốc hội đã bấm nút thông qua nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, với mức bội chi 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Quốc hội buộc phải đưa ra quyết định về đề xuất nới bội chi, tăng phát hành trái phiếu chính phủ một lượng lớn, trong bối cảnh lần đầu tiên trong 13 năm qua, ngân sách hụt dự toán hơn 63.000 tỷ đồng. Đây là một quyết định khó khăn khi những con số thống kê chưa đánh giá được hết sự an toàn của nợ công cũng như thực trạng sức khỏe nền kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu sử dụng bội chi ngân sách chủ yếu để đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm khởi công, khánh thành, tổng kết, không mua xe công…

Tại cuộc hội thảo về vai trò của báo chí và cộng đồng trong quy trình quản lý ngân sách, một số chuyên gia nhấn mạnh, đầu tư công cho xã hội và người dân vẫn chỉ thực hiện theo trình tự từ trên xuống. Nghĩa là, việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phụ thuộc vào việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Bộ Kế hoạch-Đầu tư. Trong khi đó, một quy trình hợp lý là đầu tư công phải dựa vào thông tin từ kế hoạch cấp dưới và nhu cầu của nhân dân. Về chi thường xuyên, chưa thể hiện sự gắn kết với kết quả đầu ra và mục tiêu phát triển xã hội và công bằng. Theo đó, chi thường xuyên cho giáo dục, y tế chưa thể hiện theo định mức hợp lý suất đầu tư. Chủ tịch Hội Kế toán-Kiểm toán Việt Nam đề xuất, thu ngân sách nhà nước là cưỡng bức, chi ngân sách là không bồi hoàn để phục vụ các mục tiêu kinh tế-xã hội. Vì vậy cần tạo cơ chế để người dân được tham gia giám sát, kiểm soát chi tiêu, đề đạt ý kiến nguyện vọng. Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua, nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn tinh thần triệt để tiết kiệm chi của bộ máy quản lý nhà nước vẫn nặng hình thức.

Một đại biểu dẫn chứng về sự “vung tay quá trán” trong chi tiêu tiền ngân sách khi mở rộng quốc lộ có những chiếc cầu vẫn sử dụng tốt nhưng lại làm cầu mới. Trụ sở làm việc vẫn còn tốt mà lại phá đi xây mới, chi quản lý hành chính mỗi năm tăng dần từ năm 2008 là 8,2% đến năm 2012 đã tăng lên 10,2%. Túi tiền quốc gia rất eo hẹp lại phải chịu áp lực lớn để trả lương cho cán bộ, công chức ngày càng “phình” ra, riêng năm 2013 đã tăng 200 nghìn người.

Nghị quyết dự toán ngân sách của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường kiểm soát nợ công (trong đó có nợ công nước ngoài và nợ công trong nước). Lâu nay trong các báo cáo đều đánh giá 65% nợ công là an toàn. Vấn đề không phải tỷ lệ nợ bao nhiêu, mà quan trọng là nguồn thu ngân sách và ngân sách trả nợ hàng năm là bao nhiêu, bởi vì thời gian trả nợ đã gần đến.