Kiểm soát dịch tốt, hết sốt giá

ANTĐ - Nếu như hồi tháng 6, tháng 7, người tiêu dùng Hà Nội và một số tỉnh lân cận lao đao trong cơn sốt giá thực phẩm, thì theo nhận định từ phía Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm, nếu kiểm soát tốt được dịch bệnh trong chăn nuôi, giá thực phẩm sẽ có xu hướng giảm nhẹ.

Nguồn cung dồi dào’ thực phẩm khó tăng giá trong thời gian tới


Rau xanh dồi dào nguồn cung

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, do Nhà nước đang có những chính sách đẩy mạnh, khuyến khích đầu tư sản xuất và thị trường tiêu thụ thuận lợi nên diện tích trồng rau của cả nước đang được mở rộng. Hiện tổng diện tích rau của nước ta khoảng 700.000-800.000ha. Vụ Đông 2011, toàn miền Bắc có kế hoạch gieo trồng 520.000ha, trong đó riêng rau màu khoảng 200.000-250.000ha, năng suất đạt 15-20 tấn/ha. Như vậy, sẽ khó xảy ra thiếu hàng và sản lượng rau cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Tại thời điểm này, giá rau xanh liên tiếp giảm tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh.

So với hồi tháng 7 và đầu tháng 8, giá các loại rau củ đã giảm khoảng 10%. Nhiều loại mặt hàng giảm giá tới 20%. Nhiều chợ tại Hà Nội như Phùng Khoang, Dịch Vọng, Ngã Tư Sở, Thành Công... giá các loại rau củ, quả giảm từ 10-25%, có nơi giảm đến 50% theo từng loại. Tại chợ đầu mối Long Biên, giá các loại rau, hoa quả cũng giảm từ 10-30%. Các loại quả như cam sành còn 40.000 đồng/kg, thanh long 25.000 đồng/kg, táo 25.000 đồng/kg, lê 18.000 đồng/kg, xoài 35.000 đồng/kg...

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh cho biết, đầu tháng 9, các xã viên đã xuống giống các loại rau màu như rau cải, súp lơ, su hào… Hơn nữa, hiện đã vào vụ rau chính trong năm, các loại rau đều đa dạng về chủng loại, số lượng cũng dồi dào. Do đó, không lo việc thiếu rau trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông Hùng lo ngại, nếu những tháng đông, thời tiết quá khắc nghiệt thì cũng có thể xảy ra hiện tượng khan hiếm.


Chăn nuôi có xu hướng phục hồi

Còn thịt lợn, mặt hàng thực phẩm gây “chấn động” thị trường với tốc độ tăng giá trong những tháng qua cũng đã có nhiều dấu hiệu cân băng về cung - cầu. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, giá thịt lợn trên thị trường hiện giảm 18% so với thời điểm cao nhất là tháng 7 và giảm 8% so với đầu tháng 9. Theo khảo sát của Trung tâm Tin học thống kê, Bộ NN&PTNT, tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi là 60.000 - 61.000 đồng/kg, miền Trung 59.000 - 60.000 đồng/kg và miền Nam 56.000 - 57.000 đồng/kg. Giá trứng gà ta 32.000 - 35.000 đồng/chục, gà công nghiệp dao động từ 5.000 - 25.500 đồng/chục, trứng vịt giảm nhẹ còn 25.000 - 30.500 đồng/chục. Riêng giá thịt lợn hơi tại Hà Nội giảm 9,55% so với tháng 8. Tại các chợ, mức giá chung là 110.000 - 120.000 đồng/kg thịt thăn, thịt mông sấn có giá 85.000 - 90.000 đồng, thịt ba chỉ loại ngon có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định, hiện tổng đàn lợn của cả nước là khoảng 27 triệu con, đàn gia cầm 320 triệu con (tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái). Người chăn nuôi vẫn đang tái đàn nên từ nay đến cuối năm nguồn cung gia cầm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu và thịt lợn cũng tạm ổn. Giá sẽ tiếp tục giảm trong các tháng tới nếu kiểm soát được tốt dịch bệnh. Đây cũng là điều Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần lưu ý các địa phương không được chủ quan. “Một tháng nay chúng ta bình ổn được giá lương thực là rất mừng, nhưng chỉ cần dịch bệnh bùng phát, giá cả lại biến động ngay”, ông Diệp Kỉnh Tần cảnh báo.

Ngoài ra, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết thêm, sản lượng thịt nhập khẩu vào nước ta đang có xu hướng giảm. Từ đầu năm đến nay, nước ta nhập khoảng 75.000 tấn thịt các loại, trong đó chỉ có khoảng 3.000 tấn thịt lợn, còn lại là thịt gia cầm.

Chỉ cần chủ động kiểm soát được dịch bệnh, từ nay đến cuối năm, giá thực phẩm sẽ không có cơ hội “phi mã” trở lại. Để ổn định được thị trường này, theo Bộ NN&PTNT, các địa phương cần tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, chống rét, hỗ trợ các loại vaccine và lợn giống; giãn nợ, khoanh nợ và lãi suất tín dụng cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất.