Kiểm soát chặt quyền lực để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng

ANTD.VN - Theo PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh thì dù có xử lý cán bộ nghiêm khắc hơn nữa, vi phạm, lạm quyền, tham nhũng vẫn sẽ xảy ra.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao

Kỷ luật cán bộ rất đau xót 

- Ngay trước thềm khai mạc Hội nghị Trung ương 7, một Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bị cách hết chức vụ trong Đảng. Trước đó, hàng loạt cán bộ lãnh đạo đã bị xử lý nghiêm khắc. Ông nhìn nhận thế nào về việc xử lý cán bộ vi phạm của Đảng thời gian qua?

- Đây là hành động thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy của mình, cũng là để củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng.

Tuy nhiên, như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói, xử lý cán bộ là việc rất đau lòng. Đau lòng bởi niềm tin của Đảng vào những cán bộ đó bị tổn thương. Đau lòng bởi chúng ta mất cán bộ, trong đó có những cán bộ bị xử lý từng là những người lãnh đạo giỏi, có công trạng.

Song, dù đau xót nhưng chúng ta phải làm. Rõ ràng, việc hàng loạt cán bộ từng nắm giữ các chức vụ cao trong Đảng, chính quyền, kể cả đã về hưu thời gian vừa qua bị đưa ra xử lý, kỷ luật nghiêm khắc đã mang lại niềm tin lớn trong nhân dân.

Việc xử lý này trước hết mang đến tính răn đe. Với những người đang tại chức, nếu có hành vi vi phạm, tham nhũng thì chắc chắn họ sẽ phải suy nghĩ, e ngại mà không dám thực hiện, kể cả cán bộ sắp nghỉ hưu cũng phải biết rằng không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

- Nhìn từ thực tiễn thời gian qua, theo ông, đâu là những vấn đề, lĩnh vực cần tập trung để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng?

Hiện nay, có 4 lĩnh vực quản lý dễ xảy ra lạm dụng quyền lực để vi phạm quy định pháp luật hay tham ô, tham nhũng cần có cơ chế kiểm soát quyền lực. Trước hết, đó là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Thứ hai là liên quan đến quy trình thẩm định, phê duyệt các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Thứ ba là thủ tục hành chính, đây cũng là vấn đề rất bức xúc, dân kêu rất nhiều. Thứ tư là bất công xã hội còn tồn tại nên phải tăng cường thực hiện quyền tư pháp độc lập. 

- Giải pháp nào xử lý được tận gốc thực trạng vi phạm, lạm quyền, tham nhũng, thưa ông?

- Quan trọng là phải có thiết chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, chặt chẽ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ. 

Đầu tiên là phải kiểm soát quyền lực theo ngạch dọc. Đó là cấp trên kiểm soát cấp dưới. Thứ hai là kiểm soát theo chiều ngang, tức là: kiểm tra, giám sát nội bộ; kiểm soát, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức trong mối quan hệ công việc. Thứ ba là kiểm soát từ bên ngoài. Đó là nâng cao vai trò giám sát của báo chí truyền thông, các đoàn thể xã hội và nhất là qua tín nhiệm của người dân.

Cần quan tâm hơn đến vấn đề thiết chế kiểm soát quyền lực để phòng chống vi phạm, tham nhũng, lạm quyền của cán bộ. Có vậy, kết quả công tác phòng chống tham nhũng mới bền vững. 

Cần mở rộng thi tuyển lãnh đạo

- Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” sẽ được trình ra tại Hội nghị Trung ương 7. Ông kỳ vọng gì vào công tác cán bộ tới đây nếu đề án này được thông qua?

- Với quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì công tác cán bộ của nước ta thời gian tới sẽ có những thay đổi đột phá, nhất là sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự có tâm huyết, có năng lực.

Trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, để chọn người tài, phải căn cứ nguyên lý cơ bản là cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch giữa tất cả những cán bộ đủ năng lực để bố trí, sắp xếp vào các chức vụ mà chức vụ đó không nằm trong diện phải quy hoạch của Đảng. 

Nói cách khác, ngoại trừ những chức vụ nhất định có vị trí quan trọng, then chốt ở cấp Trung ương, tỉnh, thành phố thì có thể mạnh dạn mở rộng thí điểm thi tuyển để tuyển dụng người tài vào bộ máy.