Kiểm soát chặt những khoản vay ODA

ANTĐ - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (ĐBQH Tiền Giang), trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên ANTĐ hôm qua (30-10) bên hành lang Quốc hội.

Kiểm soát chặt những khoản vay ODA ảnh 1
- PV: Nhiều cử tri đang lo ngại về tình trạng nợ công của nước ta. Ông đánh giá như thế nào?

- ĐB Nguyễn Văn Tiên: Cử tri và các ĐBQH quan tâm lo lắng, vì nó liên quan đến sự đảm bảo, duy trì, phát triển bền vững của đất nước. Nợ công phát sinh do vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay… phục vụ dân sinh, thì không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kiểm soát nợ công sao cho hiệu quả. Vay vốn để xây dựng và phát triển là bắt buộc. Tuy nhiên, phải giữ được nguyên tắc “vàng” là không vay để ăn, chia cá nhân. Qua giám sát, tôi được biết, có một số dự án tăng cường về năng lực tài chính tới hàng trăm triệu USD cho một số lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế, lao động thương binh xã hội, môi trường… Tất cả những dự án đó phải cẩn thận, vì khoản vay có nhiều điều kiện ràng buộc và chi phí cho chuyên gia kỹ thuật rất lớn. Phải hết sức thận trọng và Quốc hội cần phải kiểm soát chặt chẽ những khoản vay ODA. 

- Tăng trưởng kinh tế năm 2014 có thể đạt được 5,8%?

- Theo tôi, chỉ tiêu tăng trưởng có thể đạt được và có nhiều tín hiệu khả quan. Hiện nay, xu thế nền kinh tế nước ta đang phục hồi và các doanh nghiệp cũng đang phục hồi. Tuy vừa rồi có gần 50 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, nhưng con số doanh nghiệp mới thành lập cũng tương đương. Phải nói rằng, doanh nghiệp rất trăn trở tìm hướng đi đúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

- Ông đánh giá hoạt động của ngân hàng hiện nay như thế nào?

- Hiện nay, các ngân hàng quá chặt chẽ và không dám mạo hiểm như những năm trước, vì đã có thời gian họ quá lỏng lẻo trong quản lý. Cho nên, việc sử dụng vốn và cho vay vốn rất hạn chế. Qua tham khảo một số ngân hàng, tôi nắm được các điều kiện vay vốn tại thời điểm này rất chặt chẽ. Điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng phải nhìn thấy doanh nghiệp đi vay làm ăn có hiệu quả rõ ràng mới cho vay. Những doanh nghiệp mới thành lập, rất khó vay vốn được ngân hàng. Có lẽ, ngành ngân hàng cần xem xét tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới thành lập được vay vốn, thì nền kinh tế mới phát triển có hiệu quả.