Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi: Nín thở chờ cây đũa thần

ANTĐ - Sau một thời gian cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết, tình trạng sử dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi đã giảm song dư luận vẫn lo tệ nạn này có thể bùng phát trở lại. 

Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi: Nín thở chờ cây đũa thần ảnh 1Chất cấm trong chăn nuôi salbutamol được phát hiện từ năm 2006

Giảm nhờ tăng cường độ thanh tra 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ tháng 10-2015 trở lại đây, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng nên bước đầu đã kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT thông tin, đến thời điểm này, cơ bản đã khống chế được việc sử chất cấm trong chăn nuôi.

Đối với nguồn cung cấp salbutamol của các công ty dược, Bộ Y tế đã có những biện pháp đưa salbutamol vào danh mục kiểm soát đặc biệt.  Nhờ việc kiểm soát chặt các doanh nghiệp dược, sẽ hạn chế đươc việc rò rỉ salbutamol từ các công ty dược sang chăn nuôi như trước kia. Đối với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, lực lượng thanh tra vừa lấy thêm 207 mẫu để kiểm tra và không phát hiện vi phạm. 

Dù vậy, ông Nguyễn Xuân Dương cảnh báo: “Nếu không kiểm soát thường xuyên thì tình trạng này rất có thể bùng phát trở lại. Chất cấm trong chăn nuôi không chỉ có salbutamol mà còn chất vàng ô, clenbuterol. Người tiêu dùng chưa hình thành được tâm lý nói không với thực phẩm “bẩn” và các hộ chăn nuôi còn hám lợi thì chất cấm vẫn có thể len lỏi trong đời sống”.

Thực tế, chất cấm gốc Beta Agonist đã được phát hiện từ năm 2006 nhưng sự việc dường như đã bị xem nhẹ. Điều này dẫn đến tình trạng chất cấm “tung hoành” trong chăn nuôi như vừa qua. Phải đến khi các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc rầm rộ thì các ngành chức năng mới “giật mình” về mức độ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

Phạt tù đến 20 năm nếu vi phạm

Không chỉ gây hại tới sức khỏe hàng chục triệu người tiêu dùng, vì hám lợi trước mắt, người chăn nuôi Việt Nam đang tự tước bỏ cơ hội chiếm lĩnh thị trường sản phẩm chăn nuôi nội địa. Ông Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, chỉ một số ít người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi hám lợi nhưng đủ khiến thị trường rơi vào rủi ro. Lo sợ chất cấm, người tiêu dùng trong nước dần ngoảnh mặt với sản phẩm chăn nuôi nội địa.

Từ 1-7 tới đây, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị nghiêm trị. “Chỉ cần có hành vi sử dụng, buôn bán chất cấm là đối tượng vi phạm bị xử lý hình sự chứ không cần đợi xác định hậu quả như trước đây”, ông Nguyễn Văn Việt bày tỏ. Chế tài nhẹ nhất là phạt tù từ 1-5 năm, phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Còn nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm có tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù 3-7 năm và phạt tiền  200-300 triệu đồng, cao hơn nữa là phạt tù từ 12-20 năm… Theo ông Nguyễn Văn Việt, với chế tài mạnh tay như vậy, cùng với sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng, chắc chắn, trong năm 2016, sẽ kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, người chăn nuôi, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có muốn dùng chất cấm cũng phải suy nghĩ lại. 

Trước nỗi lo thực phẩm bẩn tràn vào mâm cơm của mỗi gia đình, nhiều người kỳ vọng các chế tài mới, được quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ giúp thay đổi hành vi người sản xuất, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình, vào cuộc quyết liệt thì pháp luật mới được thực thi đầy đủ và hiệu quả.