Cam go “Cuộc chiến giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (2):

Kiểm lâm bất lực nhìn rừng "chảy máu"

ANTĐ - Đi sâu vào rừng, tận mắt thấy tài nguyên rừng chảy máu, và vứt bỏ lãng phí trước sự bất lực của lực lượng kiểm lâm. 
Từ điểm cao 461, thuộc tiểu khu 618, đi về hướng Krông Pa, chúng tôi phát hiện 4 cây giáng hương có đường kính gốc 30-40 cm bị lâm tặc đốn hạ khoảng cuối tháng 10 vừa qua. Đi sâu vào rừng, tận mắt thấy tài nguyên rừng chảy máu, và vứt bỏ lãng phí trước sự bất lực của lực lượng kiểm lâm. Chúng tôi nhận ra những bất cập, yếu kém trong công tác giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô: Trong khi lâm tặc ngày một đông, hoạt động tinh vi, và manh động, lại trang bị nhiều vũ khí, thậm chí có cả súng tự chế, súng quân dụng. Thì lực lượng kiểm lâm ở đơn vị này lại chỉ được trang bị một số công cụ hỗ trợ như súng bắn hơi cay, bình xịt hơi cay và còng số tám. Vì vậy, thực tế, khá nhiều vụ, khi phát hiện lâm tặc khai thác gỗ, lực lượng kiểm lân truy đuổi đến nơi lại bị lân tặc bắn súng uy hiếp, thậm chí do yếu thế, kiểm lâm còn bị lâm tặc truy đuổi ngược (!). Và trong giữa rừng Ea Sô, không có cách nào huy động thêm lực lượng hỗ trợ, nên nhiều vụ anh em kiểm lâm phải bỏ chạy và còn bị lâm tặc đánh, bắn trọng thương.

Kiểm lâm bất lực nhìn rừng "chảy máu" ảnh 1
Lực lượng kiểm lâm bất lực nhìn rừng "chảy máu"

Tâm sự với anh Vương Thế Cao, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 5, chúng tôi hiểu thêm nỗi hiểm nguy trong cuộc chiến giữ rừng của lực lượng kiểm lâm. Chỉ trong quãng thời gian từ năm 2008 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ lực lượng kiểm lâm bị lâm tặc tấn công bằng hung khí, thậm chí bằng súng tự chế. Nhiều anh em phải mang thương tật suốt đời, như: Ngày 10-10-2011, anh Lê Xuân Tùng, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5 bị lâm tặc đánh “toác đầu”, thương tật 14%. Tháng 7-2008, anh Vương Thế Cao, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 5, bị các đối tượng Hờ A Sình, Hoàng Đình Thu ở huyện Ea Kar (Đắc Lăc) dùng súng tự chế bắn găm 7 viên đạn vào 2 đầu gối chân, với thương tật 25%. Cũng trong cuộc chiến giữ rừng, đối đầu với lâm tặc mà các kiểm lâm viên Hoàng Nam bị thương tật 25%; Ngô Đức Minh bị thương tật 23%, và Lê Tấn Hoàng mang thương tật 31%.
Không chỉ nóng nạn khai thác gỗ quý hiếm, rừng Ea Sô còn là địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng săn bắt động vật rừng. Có lẽ Ea Sô đang là một trong những cánh rừng hiếm hoi ở Tây Nguyên còn nhiều động vật quý hiếm sinh sống, trong đó có cả Bò Tót. Nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ lâm tặc săn bắn, xẻ thịt bò tót ngay trong rừng để lấy mật, lấy sừng. Đã có vụ phải xử lý hình sự. Nhưng xem ra tình trạng săn bắt động vật rừng vẫn nóng lên từng ngày. Khu vực thường xuyên xảy ra nạn săn bắt thú là các tiểu khu 629 và 631. Lâm tặc không chỉ đặt bẫy sập, bẫy kẹp, bẫy treo bằng dây cáp và bẫy chông để săn bắt, mà còn dùng cả súng tự chế, súng quân dụng để săn bắt thú lớn. Có khi lâm tặc còn sẵn sàng đốt rừng để tạo khoảng trống, nhử thú ra ăn tro để tiện săn bắt, như vụ các đối tượng Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Quang Thắng ở xã Cư Prao, huyện Mđrắk (Đắc Lắc) đốt 1,1 ha rừng trồng tại tiểu khu 634 mới đây.

Kiểm lâm bất lực nhìn rừng "chảy máu" ảnh 2
Xe máy độ chế lâm tặc sử dụng vận chuyển gỗ bị bắt giữ 

Do có 22km Quốc lộ 29 ngang qua khu bảo tồn với lưu lượng người và phương tiện lưu thông khá lớn, nên cũng gây thêm khó khăn cho công tác giữ rừng. Lâm tặc thường xuyên lợi dụng tuyến quốc lộ này để xâm nhập khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng sau đó dễ dàng vận chuyển “sản phẩm” ra khỏi rừng. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất, cũng xảy ra thường xuyên, nhất là ở tiểu khu 632, khu vực giáp ranh với xã Ea Đá, huyện Krông Năng và Ea Búc, huyện Ea Kar (Đắc Lắc).

Mới đây Ban quản lý Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa hơn 11.000m2 đất rừng bị các hộ Vàng A Tả và Sùng Thị Nô trú ở xã Ea Búc lấn chiếm trái phép. Cũng theo tìm tiểu của chúng tôi, hiện tại trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô còn một trang trại chăn nuôi đang hoạt động và một số hộ phát dọn đất trồng sắn ngay trong tiểu khu 623 thuộc Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, gây tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn nguồn gen động thực vật rừng! 

Trong khi cuộc chiến giữ rừng vô cùng vất vả và nguy nan, thì điều kiện sinh hoạt, đời sống của 71 cán bộ, kiểm lâm viên Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô lại còn quá thiếu thốn. Hiện tại còn 5/8 trạm kiểm lâm chưa có điện thắp sáng, 6 trạm chưa có nước sinh hoạt, anh em phải dùng nước suối; phần lớn các trạm cách xa chợ tới 30-40 chục km đường rừng, nên công tác tiếp phẩm rất khó khăn và giá cả đắt đỏ. Vì vậy, mỗi khi truy quyét dài ngày, anh em kiểm lâm thường phải ăn mỳ tôm, cá khô là chính. Sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn, nguồn nước không đảm bảo, lại thường xuyên phải nằm trong rừng, mưa nắng thất thường cũng là nguyên dẫn tới các bệnh như sốt rét, sỏi thận. 

Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, nếu giao phó việc giữ 26.848 ha rừng cho 71 cán bộ, kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với điều kiện khó khăn, thiếu thốn và bất cập nêu trên, thì cuộc chiến giữ rừng ở đây quả thực không cân sức. Tài nguyên rừng đã, đang mất và tiếp tục “chảy máu” là điều không tránh khỏi.