Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội: Nhìn từ ngữ văn dân gian

ANTĐ - Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội vốn phong phú, đặc sắc với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội; nghề thủ công... Trong đó, từ câu chuyện ngữ văn dân gian, công tác kiểm kê muốn đạt hiệu quả thì không chỉ dừng ở “thống kê”, “phân loại”.

Dân ca có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân

Độc đáo văn hóa kinh kỳ

Cùng với các loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo của Hà Nội, ngữ văn dân gian đóng góp một giá trị không nhỏ trong kho tàng văn hóa xứ kinh kỳ. Từ các sáng tác ngôn từ của nhân dân mang tính “cổ truyền”, trước năm 1945 cho đến sáng tác “hiện đại”, ngữ văn dân gian đã trải qua quá trình hình thành và tích lũy vô cùng lâu dài và phong phú. Hệ thống ngữ văn dân gian với nhiều thành tố như thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, vè, truyện thơ, ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian… đã trở thành nền tảng tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Cùng với đó là những truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, các vị tổ nghề… cũng như loạt truyện cười dân gian đặc sắc như truyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Ba Giai - Tú Xuất… 

Cho đến ngày nay, ngữ văn dân gian đang phát triển khá mạnh mẽ với nhiều thể loại, tinh thần mới, truyền tải được nhiều tư tưởng, giá trị mới theo xu hướng thời đại. Tuy nhiên, đối với sáng tác ngữ văn dân gian mang tính “cổ truyền”, dù cũng đã được sưu tầm và nghiên cứu, một số ít được bảo lưu trong các diễn xướng, nhưng nhìn chung công tác bảo tồn vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, do được lưu truyền trong dân gian chủ yếu qua phương thức truyền miệng, hoặc ghi chép bằng chữ viết nên việc xác định chính xác nguồn gốc để kiểm kê những sáng tác này cũng không phải đơn giản. 

Xác định “đơn vị” kiểm kê

Vừa qua, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã ban hành Đề án Kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể tại các xã, phường, quận huyện, thị xã, thị trấn trong toàn thành phố. Trong đó, với việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì khối lượng những loại hình kiểm kê là tương đối lớn. Bên cạnh đó, tuy hệ thống di sản văn hóa phi vật thể hiện có là rất phong phú, nhưng việc đánh giá vai trò, ý nghĩa của từng đối tượng này chưa được nhìn nhận đúng mức. Trên thực tế, khái niệm “văn hóa phi vật thể” dường như mới chỉ được tập trung nghiên cứu ở một số mảng như lễ hội, các nghề, làng nghề truyền thống, các hình thức nghệ thuật biểu diễn… Các giá trị văn hóa khác như tập quán xã hội, những “thói quen sống” của người dân, hay điển hình là ngữ văn dân gian, chưa có được sự ghi nhận và nghiên cứu xứng tầm. Trong khi lễ hội như Hội Gióng đền Phù Đổng, đền Sóc… hay hát Ca trù đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn, thì đối với kho tàng thành ngữ, tục ngữ… dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một, thiết nghĩ cũng cần phải có phương án cụ thể để bảo tồn, phục dựng.  

Một vấn đề nữa cần xem xét khi thực hiện Đề án Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là việc cần thiết phải xác định rõ “đơn vị” để kiểm kê. Chẳng hạn như đối với truyện kể dân gian, khi kiểm kê thì “đơn vị” của nó tương đối đa dạng, có thể là tuýp, mô-tuýp, câu chuyện, thể loại và cũng có thể là không gian kể chuyện. Với văn hóa vật thể, “đơn vị” của nó là hữu hình, cụ thể nhưng khi bàn tới văn hóa phi vật thể thì tính đơn vị của nó hết sức uyển chuyển, không thể áp dụng mẫu số chung cho tất cả. Vậy “kiểm kê” như thế nào mới đúng? Thay bằng kiểm kê, có thể cân nhắc đưa ra những chương trình nghiên cứu và ứng dụng thường xuyên, để thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày. Dù là kiểm kê hay sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp, phổ biến… thì ý nghĩa của nó vẫn là bên cạnh việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đồng thời người dân cũng phải ý thức được nhiệm vụ bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa quý giá đó.