Kiềm chế lạm phát không dễ

ANTĐ - Ngày 24-1, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng của cả nước trong tháng đầu năm mới. Theo đó, CPI tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong rổ hàng hóa tính CPI, có 10/11 nhóm hàng ghi nhận tăng giá từ 0,03%-7,4% so với tháng trước. Nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế. 

Sau đợt tạm hoãn tăng giá nhóm hàng này cuối năm 2012, một số tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tăng giá thuốc khiến giá nhóm này tăng 7,4% so với tháng 12-2012. Mức tăng của dịch vụ y tế đã chiếm khoảng 0,5% trong tổng số chung của CPI tháng 1- 2013. Đến hẹn lại lên, gần Tết Nguyên đán và do yếu tố thời tiết, nhóm may mặc, giầy dép tăng 1,3% so với tháng 12 năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng không loại trừ tình trạng “té nước theo mưa” làm tăng giá một số mặt hàng tính CPI. 

Bên cạnh đó, vào dịp cận Tết Nguyên đán, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống thường tăng mạnh nhất. Tuy nhiên con số này của năm nay chỉ ở mức 1,34%. Trong đó, lương thực tăng 0,15%, thực phẩm tăng 1,96%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,6%. Mặt khác, CPI tháng 12 năm trước thường xấp xỉ với tháng 1 năm sau, nhưng năm nay, CPI tháng 1 lại cao gấp 4 lần tháng liền kề năm ngoái. 17 năm qua, CPI tháng 2 luôn cao hơn tháng 1 do thời điểm này là dịp Tết Nguyên đán. Còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thời gian cao điểm mua sắm mới bắt đầu và giá cả nhiều mặt hàng đang từ từ nhích lên. Do đó, những lo ngại về lạm phát càng lộ rõ. 

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, giá cả tháng 2-2013 nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với tháng này. “Sức mua hiện tại vẫn yếu mà chỉ số giá đã tăng tới 1,25%, chứng tỏ mặt bằng giá đang rất cao” - ông Phú nói. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế lại cho rằng: “Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay dưới mức 6,81% của năm 2012 không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Vì vậy, cơ quan điều hành cần cẩn trọng hơn trong các quyết sách sắp tới”. Theo chuyên gia này, tăng 1,25% so với tháng trước là mức cao so với tháng 1 hàng năm. 

Tổng cục Thống kê cho biết, để kiềm chế giá cả, Chính phủ, các bộ, ngành, điạ phương đang tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đảm bảo dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, tránh gây “sốt” giá cục bộ. Trước đó, tại cuộc họp cuối năm của Tổng cục Thống kê, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, cần phải lưu ý lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục; thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khóa. Trong điều kiện thu ngân sách gặp khó khăn, bội chi ngân sách còn lớn cần giám sát chặt chẽ chi tiêu công, đầu tư công nếu không sẽ tăng bội chi, làm lạm phát tăng cao.