Kịch Nam ra Bắc khó "đắt" khách: Vì thói quen được xem... miễn phí

ANTĐ - Có 4 đoàn kịch xã hội hóa của TP.HCM tới Thủ đô biểu diễn nhân dịp Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III, nhưng chỉ duy nhất có đoàn của sân khấu Cinema Sao Minh Béo dám diễn thêm một suất bán vé tại Hà Nội. Nỗi sợ ế vé là có thật với lãnh đạo các đoàn nghệ thuật TP.HCM trước đông đảo khán giả “vé mời” của Hà Nội. 

Không có “Mạnh Thường Quân” thì… chịu

Mang vở “Xác sống” biểu diễn bán vé tại Nhà hát Tuổi trẻ, diễn viên Minh Béo là người duy nhất trong số các trưởng đoàn của TP.HCM mạnh dạn thử sức “phá băng” ở sân khấu Hà Nội. Nhưng như nghệ sỹ Minh Béo thừa nhận: “Nếu không có các công ty, các tổ chức mua vé từ trước thì tôi cũng không dám diễn thêm một suất ở Thủ đô. Tâm lý xem kịch miễn phí, không có thói quen đến rạp hát của khán giả miền Bắc… luôn là những gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt những ai có ý định thử sức”.

Kịch Nam ra Bắc khó "đắt" khách: Vì thói quen được xem... miễn phí ảnh 1

Vở “Xác sống” do đoàn sân khấu Cinema Sao Minh Béo biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ

Đêm công diễn vở kịch kinh dị “Xác sống” của đoàn sân khấu Cinema Sao Minh Béo dù đã được các đơn vị, công ty mua từ trước nhưng vẫn không đủ phủ kín cả rạp hát hơn 600 chỗ ngồi. Thậm chí, với những hàng ghế định sẵn cho các “Mạnh Thường Quân”, vẫn có những chiếc ghế trống. Điều đó cho thấy, dù là vé mời, đi xem kịch không mất tiền thì khán giả Hà Nội vẫn không mặn mà.

Kịch Nam ra Bắc khó "đắt" khách: Vì thói quen được xem... miễn phí ảnh 2

Vở kịch “Bông hồng vàng” của Nhà hát Thế giới trẻ dù được đánh giá cao, nhưng cũng không có suất diễn phụ nào tại Thủ đô

 Còn với NSND Hồng Vân, mặc dù mang ra Hà Nội tới 2 vở tham dự Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III nhưng không thấy bà “bầu” này có ý định diễn thêm các suất phụ. Bởi là người dày dạn kinh nghiệm biểu diễn và nắm bắt tâm lý thưởng thức của khán giả, NSND Hồng Vân không dại gì tự làm khó mình. Sân khấu xã hội hóa phải tự thu, tự chi. Dù nguồn tài trợ của BTC liên hoan sân khấu lần này được đánh giá là khá ổn nhưng trước muôn vàn khó khăn của sân khấu Thủ đô, bà “bầu” Hồng Vân cũng chỉ dám chọn giải pháp an toàn “thi xong xuôi, tất cả lại về”. 

Sân khấu miền Bắc khắc nghiệt

Vở kịch nói “Bông hồng vàng” của Nhà hát Thế giới trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) đã đem đến cho các khán giả của Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III một bức tranh đầy màu sắc của đời sống người chiến sỹ công an. Thế nhưng, đạo diễn Nguyễn Huy Thục cũng giống như bà “bầu” Hồng Vân, cũng không dám tổ chức thêm các buổi diễn bán vé tại Hà Nội. Với vị đạo diễn này, việc dựng vở tham dự liên hoan đã là liều, bởi lẽ số tiền tài trợ chưa đủ trang trải kinh phí ăn ở, đi lại của các diễn viên.

 Để bù lỗ, sau khi liên hoan khép lại anh sẽ đưa “Bông hồng vàng” đi phục vụ trong Nam chứ khó diễn lấy tiền ngoài Bắc. E dè hơn, NSƯT Mỹ Uyên, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP.HCM thổ lộ: “Nghe nói, ở Hà Nội, các nhà hát ít khi bán được vé cho khách vãng lai. Mỗi đêm diễn đều được bán cho một đơn vị nhất định nào đó. Điều này làm tôi thấy sợ trước thói quen xem kịch miễn phí của khán giả Hà Nội”. 

NSƯT Mỹ Uyên cũng cho biết: “Nếu không có đơn vị tài trợ ủng hộ, tôi nghĩ sẽ rất khó có đoàn xã hội hóa nào dám tổ chức đêm diễn bán vé. Thử hỏi, khán giả mời còn không mặn mà đi xem thì các đoàn như chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để trang trải. Sân khấu kịch miền Bắc quá khắc nghiệt. Các nhà hát ở đây còn có thể dựa vào Nhà nước, chứ các đoàn xã hội hóa thì không”.

Vì lý do này, sân khấu miền Nam nổi tiếng với sự năng động nhưng khi ra đến Hà Nội thường “mất điện” trước thói quen thưởng thức kịch nghệ của khán giả Thủ đô. Nhiều người đã mong ngóng một làn gió mới sẽ được thổi vào bầu không khí trầm lắng của sân khấu phía Bắc, nhưng hy vọng cho đến giờ này vẫn chỉ là… hy vọng!