Kịch ma "lạnh xương sống", nhưng không chỉ để dọa khán giả

ANTĐ - Chuyên viết kịch ma, nổi tiếng cũng nhờ kịch ma, Bùi Quốc Bảo là cây bút ăn khách của TP.HCM nhờ vào các tác phẩm sân khấu “lạnh xương sống”. Cây bút trẻ này chia sẻ ý định sẽ mang các tác phẩm kịch kinh dị biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô. 
Kịch ma "lạnh xương sống", nhưng không chỉ để dọa khán giả ảnh 1

Tự tin mang kịch ma ra Hà Nội

- PV: Khán giả miền Bắc nổi tiếng là khó tính, anh có đủ tự tin để mang kịch Nam lưu diễn đất Bắc hay không?

- Đạo diễn Bùi Quốc Bảo: Tôi tự tin với những tác phẩm kinh dị của tôi như “Lầu hoang”, “Họa hồn”, “Bí mật nhà xác”, 

Mắt âm dương”… sẽ chinh phục được khán giả Hà Nội. Khán giả ở đâu cũng vậy sẽ yêu thích và đón nhận sự mới lạ và những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật. Tôi luôn mong có cơ hội giới thiệu những tác phẩm của mình với công chúng Hà Nội. 

- Anh có lường trước được những khó khăn nếu đưa kịch ma ra Hà Nội biểu diễn?

- Theo chủ quan tôi đánh giá, các tác phẩm kịch ma sẽ là “món ăn” mới đối với khán giả Thủ đô, bên cạnh dòng kịch đậm tính nghệ thuật, được dàn dựng công phu của các nhà hát Trung ương và Hà Nội. Tôi cũng đã được cảnh báo về điều kiện thời tiết  và khán giả miền Bắc không có thói quen xem kịch luôn là rào cản đối với những ai dám làm thử. Nhưng các cụ vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương”, cộng với việc truyền thông, quảng bá tốt, tôi tin các tác phẩm kịch ma từng hút khách tại TP.HCM sẽ lôi kéo khán giả Hà Nội tới rạp. 

- Thấy bảo anh khá nhút nhát, vậy mà anh còn viết kịch ma dọa người khác. Điều này có mâu thuẫn không?

- Cá tính tôi nhút nhát, ngại va chạm, sợ làm người khác phật lòng. Nhưng may mắn là tôi không sợ ma. Tôi thích xem phim ma, phim kinh dị. 

- Chắc hẳn cá tính của nhà biên kịch ảnh hưởng khá nhiều tới kịch bản sân khấu có yếu tố kinh dị…

- Cá tính của người nghệ sĩ sẽ đặt dấu ấn lên tác phẩm của họ, chứ không riêng gì kịch kinh dị. Có nhiều tác giả, đạo diễn nghĩ rằng kịch kinh dị chỉ là hù ma, đem những cảnh giết chóc, máu me, bạo lực lên sân khấu làm khán giả sợ. Nếu vậy thì chỉ đạt 50% yêu cầu của kịch kinh dị cần có. 50% còn lại chính là cá tính của tác giả, đạo diễn. Anh muốn nói gì với khán giả? Anh muốn nói lên quan điểm gì của mình? Anh muốn đặt ra những dấu ấn gì trong tác phẩm của mình? 

Kịch ma "lạnh xương sống", nhưng không chỉ để dọa khán giả ảnh 2

Vở “Bí mật nhà xác”, tác giả Bùi Quốc Bảo

Kịch kinh dị là chiếc áo mới lạ

- Nguyên tắc của anh khi viết kịch ma là gì?

- Nguyên tắc của tôi khi sáng tác trên giấy cũng như trên sàn diễn, đó là phải phản ánh được hiện trạng cuộc sống, góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, “kinh dị” chỉ là chiếc áo mới lạ, theo trào lưu mà tôi muốn khoác cho những câu chuyện thời sự nóng hổi trong xã hội như: bạo hành trẻ em, trục lợi vô nhân đạo trong nhà xác, nghiện ngập ma túy, mê tín dị đoan… 

- Anh đánh giá như thế nào khi sân khấu hút khách dựa vào các vở kịch ma, còn kịch kinh điển người xem thường tỏ ra ngại ngần?

- Sân khấu Sài Gòn dàn dựng nhiều vở kịch ma vì đó là nhu cầu có thật của khán giả. Như tôi viết và dàn dựng 2 vở “Đời “Như ý” và “Cõng mẹ đi chơi” đoạt nhiều giải thưởng trong các Liên hoan Sân khấu toàn quốc, nhưng sự đón nhận của khán giả với 2 vở này hoàn toàn không bằng các vở kinh dị. Vì vậy, nhu cầu xem kịch kinh dị là có thật. Mà đã gọi là nhu cầu, sở thích… của khán giả thì trong khả năng của mình, tôi không thể lý giải hết được. Tôi nghĩ cần những nhà xã hội học, nhà giáo dục… xem xét vấn đề này. Riêng về kịch kinh điển, tôi nghĩ vẫn có một lượng khán giả yêu mến nhưng không nhiều thôi. 

- Xin anh cho biết lợi thế của mình khi vừa là biên kịch kiêm đạo diễn sân khấu?

- Đạo diễn Bùi Quốc Bảo: Cảm ơn bạn đã nói đúng lợi thế này, vì tôi rất tâm đắc với nó. Trong tôi có 2 con người, tác giả và đạo diễn. Hai con người này bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo để cho ra đời những tác phẩm được công chúng đón nhận. Vì vậy, tôi dựng kịch bản người khác cũng không hay như tôi dựng kịch bản của tôi. Và kịch bản của tôi, đưa cho người khác dựng cũng không giống như những gì tôi ấp ủ. 

- Kịch ma, kịch tâm lý xã hội, kịch kinh điển, anh thích thử sức với thể loại nào hơn?

- Theo tôi, đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp, tôi không cho phép mình từ chối bất cứ thể loại tác phẩm sân khấu nào. Thể loại nào tôi cũng mong muốn được làm việc, để được học hỏi, trải nghiệm và khám phá. Với tôi, người nghệ sĩ trải nghiệm nhiều trong cuộc sống và chuyên môn sẽ có một vốn sống đầy đặn và phong phú. Từ vốn sống quý giá đó, sự sáng tạo mới nảy mầm.  

 

- Xin cảm ơn nhà biên kịch kiêm đạo diễn Bùi Quốc Bảo!