Đạo diễn, NSƯT Anh Tú:

Kịch kinh điển vẫn nóng hổi tính thời sự

ANTĐ - Giữa bối cảnh hài kịch hay kịch đương đại còn đang chật vật để kéo khán giả đến với rạp hát thì sự mạnh dạn của Nhà hát Kịch Việt Nam khi dàn dựng vở bi kịch “Hamlet” của W.Shakespear như một điểm nhấn trong nền kịch nghệ Thủ đô. NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời là đạo diễn của vở “Hamlet” khẳng định: “Nếu không dựng kịch kinh điển thì khán giả sẽ thiệt thòi, không được thưởng thức tinh hoa nghệ thuật thế giới”. 

Kịch kinh điển vẫn nóng hổi tính thời sự ảnh 1Ê kíp thực hiện vở kịch kinh điển “Hamlet” 

Không thể không dựng kịch kinh điển 

- PV: Sau một thời gian bỏ bẵng, lý do nào khiến Nhà hát Kịch Việt Nam quyết tâm dựng các vở kịch kinh điển thế giới, thưa đạo diễn?

- Đạo diễn Anh Tú: Việc dựng kịch kinh điển là công việc thường xuyên của các nhà hát hàng đầu. Nhưng do về thời gian, kinh phí, nhân tài, vật lực nên Nhà hát Kịch Việt Nam đã bỏ khá lâu. Đáng lý, mỗi năm nhà hát phải dựng tối thiểu 1 vở kinh điển. Như thế, khán giả mới đỡ thiệt thòi, có điều kiện tiếp cận với những tinh hoa của thế giới. Đồng thời, diễn viên và êkíp cũng được sáng tạo hết mình. Tâm thế, tầm và tài năng của nghệ sỹ sẽ lên. 

- Quyết định dựng bi kịch “Hamlet” của W.Shakespear, nhà hát có lường hết những khó khăn?

- Tôi cũng xin tiết lộ, làm kịch kinh điển rất tốn kém, trong khi đó, lượng khán giả lại ít. Chính vì vậy, Nhà hát Kịch Việt Nam không đặt mục tiêu mỗi năm dựng 1 vở kinh điển mà chỉ dám 2 đến 3 năm làm một tác phẩm. Nhưng là một trong những nhà hát hàng đầu, nhà hát không thể không làm. Nếu nhà hát Kịch Việt Nam không quyết tâm dàn dựng thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ làm các vở kinh điển. Không riêng kịch cổ điển mà ngay hài kịch, các vở đương đại cũng rất khó thu hút khán giả. Nhưng có thể bằng sự hợp tác của các cơ quan, đoàn thể để tìm đầu ra cho kịch kinh điển đến gần với khán giả. 

- Với một vở bi kịch đồ sộ có độ dài tới 4 tiếng, đạo diễn sẽ chọn lát cắt nào để khán giả dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn?

- “Hamlet” là kiệt tác của nhà viết kịch W.Shakespear (Anh), bản thân tác phẩm đã rất hay và không cần chỉnh sửa gì. Tuy vậy, với độ dài của vở và nhiều tầng ý nghĩa như “Hamlet”, mỗi đạo diễn sẽ chọn một lát cắt thích hợp nhất để khai thác. Với vai trò đạo diễn, tôi sẽ chọn lát cắt về cuộc chiến đối đầu, quyết liệt, tiêu diệt cái ác đến tận cùng. Khi dàn dựng, tôi sẽ không thay đổi nhưng buộc phải cắt ngắn để vở chỉ diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ. Cái khó ở đây là cắt như thế nào để giữ nguyên ý tứ của tác giả. Vì thế, sau khi cắt xong, tôi buộc phải thêm chi tiết để làm rõ tuyến nhân vật, thêm vào để khán giả rõ ý hơn, dễ tiếp cận và đón nhận. 

Cùng đồng lòng sáng tạo và vượt khó

- Cuộc chiến chống lại cái ác chưa bao giờ dừng lại, đấy chính là điều đạo diễn tâm huyết và chọn lát cắt này?

- Shakespear viết “Hamlet” vào thế kỷ 17 nhưng vở kịch vẫn mang hơi thở của cuộc sống ngày nay. Cốt truyện thì bạn đã biết rồi, người vướng vào tội ác thì toàn những người to nhất, oách nhất của một quốc gia như Hoàng hậu, em ruột của Vua. Chàng Hoàng tử Hamlet là con, là cháu của các bậc hoàng thân cốt thích nhưng nhìn thấy bậc cha, chú vướng tội mà không tiêu diệt thì không được. Tính thời đại của vở diễn nằm ở đó, tội ác không được tiêu diệt thì không còn xã hội loài người, những người phạm tội không vạch mặt chỉ tên thì không được. Trong cuộc chiến đấu chống lại cái ác, Hamlet cũng chết. Câu chuyện vẫn còn ý nghĩa, tính thời sự nóng hổi vẫn nằm ở đó. Tôi tin, vở kịch sẽ dễ dàng được khán giả đón nhận bởi hơi thở của cuộc sống ngày nay vẫn ở trong những xung đột kịch, những lời thoại nhân vật. 

Kịch kinh điển vẫn nóng hổi tính thời sự ảnh 2Vở kịch “Hamlet” của W.Shakespear được nhiều nhà hát trên thế giới phục dựng trong suốt nhiều thế kỷ đã qua

- Anh có cầu toàn trong chọn diễn viên?

- Tôi không quá cầu toàn trong chọn lựa diễn viên, làm bằng những gì mình đang có. Đạo diễn không thể chờ đợi một đào hay một kép theo tưởng tượng của mình. Ví dụ như tôi không thể chọn một diễn viên có vẻ đẹp mong manh để vào vai nàng Ophelia nhưng lại không thể nói hay không thể hát. Tôi sẽ làm bằng dàn diễn viên hiện đang có của Nhà hát Kịch Việt Nam, cả đạo diễn và diễn viên cùng đồng lòng, đồng sức sáng tạo và vượt khó. Vai Hamlet được giao cho diễn viên trẻ Tạ Minh, Hoàng hậu là nữ diễn viên Phương Nga…

- Để vở diễn không đi chệch quỹ đạo, ê kíp sáng tạo sẽ cần tới một tổ tư vấn?

- Tôi đã mời PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và giảng viên trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội - Trịnh Thủy tới giảng cho các diễn viên về Shakespear, về thời đại ông đã sống và hoàn cảnh ra đời của vở “Hamlet” để các em hiểu sâu hơn vai diễn đảm nhận. Tổ tư vấn còn giúp tôi trong một số vấn đề văn học kịch của nhà viết kịch W.Shakespear. Tôi muốn vở “Hamlet” đến với khán giả trong hình hài đẹp đẽ nhất và trọn vẹn về ý nghĩa. Vở diễn dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng 5-2015. 

- Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Anh Tú và chúc anh sẽ mang tới khán giả vở diễn giàu ý nghĩa!