“Kích hoạt” chạy đua vũ trang

ANTĐ - Sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng và sự hung hăng trong việc hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đang kích thích một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Việc gia tăng sức mạng quân sự của Trung Quốc đã kích hoạt chạy đua vũ trang ở châu Á

Xu thế cắt giảm ngân sách quốc phòng tại châu Á đang bị đảo ngược khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ với các quốc gia láng giềng trong khu vực, vừa tăng mạnh chi tiêu quân sự. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển, Trung Quốc là một trong 20 nước trên thế giới đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng từ năm 2004, lên tới 188 tỷ USD năm 2013, đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) và con số đó tiếp tục tăng thêm 7,4% trong năm nay.

Với chi phí quân sự vượt trội so với tất cả các nước châu Á, Trung Quốc đã “thỏa sức” mua sắm, trang bị các loại vũ khí “khủng” như tàu sân bay đầu tiên, máy bay tàng hình, tàu chiến tàng hình, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa “sát thủ tàu sân bay”… Khi sức mạnh quân sự được cho là vượt khỏi tầm châu lục và vươn tới tầm toàn cầu, Trung Quốc không chỉ gia tăng mạnh các yêu sách về chủ quyền, lãnh thổ mà còn ngày càng hung hăng hơn trong đòi hỏi đầy tham vọng này.

Điều này khiến các quốc gia láng giềng không thể không lo ngại và cảnh giác. Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ hồi trung tuần tháng 7 vừa qua có công bố kết quả khảo sát cho thấy, các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á đang ngày càng lo ngại những tranh chấp trên biển của Bắc Kinh sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.

Là quốc gia có tiềm lực mạnh lại đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, Nhật Bản bên cạnh việc lần đầu tiên sửa đổi Hiến pháp hòa bình sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đã quyết định tăng mạnh chi tiêu quốc phòng từ năm 2015 với kinh phí 48,5 tỷ USD. Nhật Bản lên kế hoạch mua sắm rầm rộ từ máy bay tàng hình hiện đại nhất F-35, máy bay trinh sát chống ngầm thế hệ mới P-1, đến tàu ngầm siêu êm sử dụng động cơ AIP, tàu khu trục phóng tên lửa đạn đạo…

Từng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới do tranh chấp lãnh thổ và hiện tiếp tục còn tranh chấp hàng chục nghìn km2 lãnh thổ, Ấn Độ đang triển khai kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 100 tỷ USD. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này sẽ đầu tư mạnh để phát triển hạm đội hải quân cũng như “nâng đời” các trang thiết bị vũ khí lạc hậu hiện nay.

Căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra đã khiến các quốc gia Đông Nam Á phải chú trọng đầu tư nhằm hiện đại hóa quân đội. Theo hãng thông tấn Reuters, lo ngại đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang tăng cường mua sắm vũ khí với chi phí quốc phòng lên tới 40 tỷ USD vào năm 2016. Trọng điểm là lực lượng hải quân khi Malaysia lựa chọn mua 6 tàu tác chiến gần bờ trị giá 2,8 tỷ USD của Pháp; Singapore có kế hoạch mua 2 tàu ngầm của Đức nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển... 

Đài RFI của Pháp bình luận: “Nhiều nước châu Á đang nỗ lực mua thêm vũ khí, trang bị các phương tiện quân sự hiện đại, với ánh mắt lo ngại đều nhìn vào một quốc gia: Đó là Trung Quốc”.