Kích động người khác giết người, có bị coi là đồng phạm?

ANTĐ - Khoảng 19h ngày 26-3, Trần Hoàng Anh (SN 1983), Nguyễn Đức Bình (SN 1981), Vũ Hồng Quang (SN 1983) và Hoàng Thiên Đức (SN 1982) ngồi quán uống rượu. Tại đây, Bình có rút con dao có lưỡi xếp vào cán mang theo cho Hoàng Anh xem. Ra khỏi quán, Bình đòi Hoàng Anh trả lại dao và cất vào túi quần. 

Cả nhóm gặp anh Trần Anh Tuấn và Đoàn Đức Huy đi ngược chiều. Do có quen biết, Trần Hoàng Anh và Vũ Hồng Quang dừng lại nói chuyện với Huy, còn Bình và Đức đi trước. Hoàng Anh rủ Huy đi uống rượu tiếp nhưng anh Huy từ chối. Hoàng Anh nắm tay Huy kéo đi thì anh Tuấn ngăn cản kéo Huy trở lại. Thấy vậy, Hoàng Anh quay sang cãi nhau với anh Tuấn và dùng tay đẩy vào ngực làm anh Tuấn bị mất thăng bằng ngã xuống. Sau đó Hoàng Anh và anh Tuấn xô xát, ẩu đả với nhau. Anh Huy dùng tay ôm ngăn Hoàng Anh, còn Quang can Tuấn. Trần Hoàng Anh nhiều lần hét lớn chửi Tuấn và hô: “Chúng mày đánh chết nó cho tao”. Nghe tiếng Hoàng Anh chửi, Nguyễn Đức Bình đi trước quay trở lại nhìn thấy Hoàng Anh và Tuấn đang đứng đối diện nhau. Bình cho rằng Hoàng Anh bị Tuấn đánh nên đã lấy con dao trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào bụng và ngực Tuấn rồi cầm dao bỏ đi. Huy buông tay giữ Hoàng Anh ra thì thấy Tuấn đang nằm ngửa, máu ra nhiều. Huy gọi Quang đưa Tuấn đi cấp cứu. Trên đường đi, Tuấn đã tử vong.

Tại bản kết luận giám định pháp y kết luận: Nạn nhân bị tử vong do xuất huyết nội, gây giảm thể tích máu cấp tính sau các vết thương thủng gan và thủng bàng quang. Sau khi phạm tội, Bình bỏ trốn và đến ngày 9-4 thì ra đầu thú. 

Vấn đề đặt ra, với hành vi kích động người khác giết người của Trần Hoàng Anh đã phạm tội gì?

Kích động người khác giết người, có bị coi là đồng phạm? ảnh 1Minh họa: Internet

Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội vô ý làm chết người

Hành vi của Hoàng Anh đã phạm vào tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98, Bộ luật Hình sự. Vô ý làm chết một người là trường hợp phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả chết người sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Trong trường hợp này việc Hoàng Anh chửi Tuấn với nội dung: “Chúng mày đánh chết nó cho tao” chỉ mang ý nghĩa dọa Tuấn, bởi trước đó Hoàng Anh có quen biết với Quang là bạn Tuấn. Khi Hoàng Anh nói câu đó, tôi nghĩ anh ta đã không lường được hậu quả là Bình sẽ đâm chết Tuấn. Vì vậy theo tôi, Hoàng Anh đã phạm tội với lỗi không cố ý. 

Đỗ Kim Hương (Thanh Trì - Hà Nội)

Phạm tội trong trạng thái bị kích động mạnh

Trong trường hợp nói trên, Hoàng Anh không trực tiếp tham gia vào việc gây nên cái chết của nạn nhân. Do trước đó đã uống rượu và vì xảy ra xô xát, ẩu đả với Trần Anh Tuấn nên Hoàng Anh mới có lời nói kích động như vậy. Theo tôi được biết, người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Họ bị mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước. Mặc dù góp phần dẫn đến cái chết của nạn nhân, nhưng theo tôi, trong tình huống này Hoàng Anh chỉ phạm tội một cách gián tiếp trong trạng thái tinh thần bị kích động.

Nguyễn Hoàng Giang (Nha Trang - Khánh Hòa)

Hoàng Anh phạm tội giết người

Nguyễn Đức Bình là người trực tiếp gây nên cái chết của Trần Anh Tuấn nhưng theo tôi trong vụ việc này Hoàng Anh cũng có vai trò tham gia tích cực. Việc Hoàng Anh đã nhiều lần kích động thể hiện ý chí muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì trước đó, Hoàng Anh biết Bình có mang theo dao trong người. Luật pháp buộc Hoàng Anh phải nhận thức được rằng việc kích động của mình sẽ dẫn đến hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Và thực tế là chính vì lời kích động của Hoàng Anh nên Bình đã quay lại và sau đó dùng dao để đâm Tuấn. Theo tôi, với vai trò tích cực của Hoàng Anh, cần phải bị xử lý về hành vi giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự.

Trần Quốc Vỹ (Yên Mô - Ninh Bình)

Bình luận của luật sư 

Trước hết, căn cứ vào các tình tiết trong vụ việc, có cơ sở để khẳng định Nguyễn Đức Bình đã phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại điểm n, khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, ở trường hợp này, Bình đã thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý trực tiếp. Bình nhận thức được hành vi dùng dao đâm anh Tuấn là rất nguy hiểm, trái pháp luật; thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn thực hiện, muốn thực hiện đến cùng để có hậu quả là cái chết của anh Tuấn.

Điều này được thể hiện bằng việc Bình dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng và ngực anh Tuấn. Tình tiết tăng nặng trong trường hợp này theo điểm n, khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự là: “Có tính chất côn đồ”. Phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp giết người mà tất cả các tình tiết của vụ án thể hiện người phạm tội có tính chất hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người khác, sẵn sàng giết người vì những nguyên cớ nhỏ nhặt.

Trong trường hợp này, ta thấy hành vi của Bình diễn ra sau khi nghe thấy Hoàng Anh nhiều lần la lớn chửi anh Tuấn và hô: “Chúng mày đánh chết nó cho tao”. Nghe tiếng Hoàng Anh la chửi, Bình đi phía trước quay trở lại lấy con dao trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào bụng và ngực anh Tuấn. Trước đó Bình không hề quen biết hay có mâu thuẫn với anh Tuấn. Như vậy ta thấy, hành vi của Bình thể hiện rõ sự hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người khác, chỉ vì lý do nhỏ nhặt mà sẵn sàng giết người mà mình không hề quen biết, không có mâu thuẫn gì. Do đó, Bình phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm n, khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự. 

Đối với trường hợp của Hoàng Anh, trong tình huống trên, Hoàng Anh đã có hành vi xúi giục Bình giết anh Tuấn.

Theo khoản 2, Điều 20, Bộ luật Hình sự quy định: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm”. Ở đây ta thấy Hoàng Anh là người kích động tinh thần, trực tiếp thúc đẩy Bình phạm tội khi nhiều lần chửi bới anh Tuấn và hô: “Chúng mày đánh chết nó cho tao” khiến Bình đi trước đã nghe thấy và quay trở lại. Lời nói này trực tiếp hướng vào anh Tuấn với mục đích muốn đánh chết anh Tuấn, đã kích động Bình thực hiện hành vi giết anh Tuấn.

Hơn nữa, Hoàng Anh không hề can ngăn khi thấy Bình đâm nhiều nhát vào bụng và ngực anh Tuấn. Điều này chứng tỏ Hoàng Anh cũng đồng tình với hành vi phạm tội của Bình. Như vậy, ta thấy Hoàng Anh thỏa mãn là người xúi giục Bình thực hiện tội phạm.

Trong tình huống này, cả Hoàng Anh và Bình đều biết hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả sẽ xảy ra và đều biết người khác cũng có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cùng mình. Hoàng Anh biết rõ việc mình xúi giục Bình đánh chết anh Tuấn là gây nguy hiểm cho tính mạng của anh Tuấn. Bình cũng nhận thức rõ việc mình đâm nhiều nhát vào bụng và ngực anh Tuấn sẽ làm anh Tuấn chết. Hơn nữa, Bình cũng hiểu rõ việc Hoàng Anh mong muốn giết anh Tuấn thông qua việc la lớn xúi giục giết anh Tuấn. Ngược lại, Hoàng Anh cũng biết việc Bình dùng dao đâm anh Tuấn nguy hiểm tới tính mạng của anh Tuấn.

Như vậy, cả Hoàng Anh và Bình cùng mong muốn và cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh. Trong tình vụ việc này, Hoàng Anh thể hiện mong muốn hậu quả chết người xảy ra khi nói: “Chúng mày đánh chết nó cho tao”; đồng thời Hoàng Anh cũng không ngăn cản khi Bình thực hiện hành vi đâm nhiều nhát vào bụng và ngực anh Tuấn.

Hoàng Anh cũng không có phản ứng gì sau khi Bình bỏ đi chứng tỏ giữa Hoàng Anh và Bình có sự thống nhất về mặt ý chí khi thực hiện tội phạm. Do đó có thể thấy mục đích mà cả Hoàng Anh và Bình đều hướng tới là giết anh Tuấn. Như vậy, trong trường hợp này Hoàng Anh bị coi là đồng phạm với Bình về tội giết người và tham gia vào tội phạm với vai trò là người xúi giục.

Điều 93. Tội giết người 

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng

Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh