Kích cầu đầu tư công

ANTĐ - Khác với những lần trước, lần này ngành xăng dầu không tăng giá cao vọt mà tăng nhỏ giọt 3 lần, cộng lại giá xăng đội lên thêm 1.200 đồng/lít. Mặc dù có thay đổi “chiến thuật”, nhưng việc tăng giá xăng dầu cũng góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng của tháng 8 tăng thêm khoảng 0,15% so với tháng 7. Áp lực lạm phát tăng cao trở lại trong nửa cuối năm 2013 không hẳn đã giảm khi một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã có kế hoạch “nhấp nhổm” tăng giá theo lộ trình như giá điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí…

Đánh giá về xu hướng lạm phát 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính nhận định, mặt bằng giá thị trường có thể chịu tác động của nhiều yếu tố. Giá hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng tăng, trong khi tỷ giá ngoại tệ có khả năng tăng gây sức ép lên giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy vậy, cũng có những yếu tố thuận lợi giúp tăng tổng cầu và sức mua dân cư như nợ xấu tiếp tục được giải quyết, lãi suất vẫn trong xu hướng điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến lạm phát và kinh tế vĩ mô. Nhân “đà” lạm phát được giữ ổn định ở mức thấp trong nửa đầu năm nay, một số chuyên gia cho rằng, đây là điều kiện tốt để thực hiện một gói tài chính cỡ 100.000 tỷ đồng giúp nền kinh tế vượt thoát giai đoạn ảm đạm hiện nay. Ủy ban Tài chính Quốc hội cũng đề xuất thực hiện một gói kích cầu đầu tư công thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Gói kích thích này, ước tính lên tới 100.000 tỷ đồng, sẽ giúp giải tỏa tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vào khoảng 94.000 tỷ đồng, đồng thời giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ những công trình trọng điểm quy mô lớn.

Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, ở mỗi  nước, lạm phát và tăng trưởng có khi ngược chiều nhau. Năm 2012, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cũng  đã đưa đầu tư công tăng từ 12.000 tỷ đồng lên 21.000 tỷ đồng. Cho dù lượng tiền cung ra gần gấp đôi, song hầu như không ảnh hưởng xấu tới lạm phát. Vấn đề đang đặt ra là phải giải được “bài toán” tăng vốn đầu tư mà không tăng vốn ngân sách nhà nước. Tức là phải đầu tư đúng lúc, đúng chỗ, chứ không “bơm” tiền ra ồ ạt dẫn đến hệ lụy như năm 2009. Viện Phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng quan điểm khi cho rằng, rủi ro lạm phát cao đã giảm rõ rệt, nhưng rủi ro kinh tế vĩ mô vẫn còn đó, cho nên đang có dư địa để triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường. Theo đó, có thể phát hành thêm trái phiếu hoặc trích chi tiền ngân sách của năm sau cho năm nay để thúc đẩy kinh tế.

Không phản đối quan điểm trên, nhưng ý kiến của một vài chuyên gia tài chính cho rằng, các gói kích thích không phải là giải pháp căn cơ giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Khi nền kinh tế còn yếu, đẩy đầu tư công đồng nghĩa với làm tăng nợ của nhà nước, trong khi không làm ra sản phẩm giúp kinh tế phát triển. Xem ra, “bài toán” kích cầu đầu tư công vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.