Kịch bản nào sau “ngày phán quyết” bầu cử Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo thông lệ, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thường có thể thấy ngay vào nửa đêm ngày bầu cử, khi mà các điểm bỏ phiếu cuối cùng đóng cửa, song điều này có khác biệt trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 này và nhiều kịch bản đã được đề cập tới.

Việc đương kim Tổng thống Donald Trum hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng có thể vẫn chưa rõ ràng sau đêm bầu cử 3-11

Việc đương kim Tổng thống Donald Trum hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng có thể vẫn chưa rõ ràng sau đêm bầu cử 3-11

Hồi hộp sau giờ G

Những điểm bỏ phiếu của cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống Mỹ thứ 46 và Phó Tổng thống cùng toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện (tức hơn 1/3 trong tổng số 100 ghế của Thượng viện), 11 Thống đốc bang (chiếm hơn 1/5 trong tổng số 51 bang của Mỹ) và khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc đóng cửa vào nửa đêm 3-11 (theo giờ Mỹ, tức trưa 4-11 theo giờ Việt Nam). Khi các điểm bỏ phiếu cuối cùng đóng cửa cũng là lúc các bang của Mỹ lần lượt cho thấy kết quả bầu cử, trong đó kết quả được chờ đợi nhất là vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Tuy nhiên, ai là chủ nhân của Nhà trắng trong 4 năm tới, đương kim Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden, có thể chưa rõ ràng sau nửa đêm ngày 3-11 theo như thông lệ nhiều cuộc bầu cử trước đây. Sở dĩ như vậy là do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) khiến số lượng cử tri bầu qua bằng hình thức khác hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu gia tăng đột biến, trong khi nhiều bang ở Mỹ, đặc biệt là các bang chiến trường vốn giữ vai trò quyết định tới chiến thắng chung cuộc của các ứng cử viên, đã tuyên bố chỉ công bố kết quả chính thức khi kiểm tới lá phiếu cuối cùng.

Tòa án cao nhất của bang Pennsylvania - một trong những bang chiến trường giữ vai trò then chốt tới kết quả chung cuộc của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden trong cuộc bầu cử năm nay, đã ra phán quyết yêu cầu gia hạn 3 ngày nhận phiếu bầu gửi qua thư, tức là tới ngày 6-11. Cho dù còn tranh cãi về pháp lý về quyết định này, nhưng nếu bang chiến trường giữ nguyên quyết định thì ai là chủ nhân tương lai của Nhà trắng khó có thể biết sau giờ G, thời điểm điểm bỏ phiếu cuối cùng đóng cửa vào nửa đêm 3-11.

Trong khi đó, hiện có tới 20 bang ở nước Mỹ cho phép gia hạn thời gian nhận phiếu bầu qua đường bưu điện bởi đại dịch Covid-19 khiến số lượng cử tri bầu bằng hình thức này rất lớn và điều này ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng tại các bang chiến trường vốn có sự ủng hộ dành cho hai ông Donald Trump và Joe Biden là vô cùng sít sao. Tương tự như Pennsylvania, giới chức tại các bang chiến trường khác như Michigan, Wisconsin, Arizona hay North Carolina cũng cho biết việc kiểm phiếu với số lượng lớn phiếu bầu qua đường bưu điện có thể mất ít nhất thêm 1 ngày nữa, thậm chí có thể lên tới 3 ngày.

Đương kim Tổng thống Donald Trump trước đó đã lộ kế hoạch sớm tuyên bố chiến thắng trong ngày bầu cử 3-11 nếu có dấu hiệu rõ ràng là ông vượt qua đối thủ Joe Biden tại các bang chiến địa và cựu Phó Tổng thống cùng từng cảnh báo về điều này trong giai đoạn vận động nước rút sát thềm ngày bầu cử. Thế nhưng, các quan chức thực thi pháp luật tại các bang gia hạn thời gian kiểm phiếu khẳng định, họ không chịu áp lực nào trong việc phải xác nhận người giành chiến thắng trong đêm ngày bầu cử 3-11.

Do vậy, kết quả chính thức xác nhận ông Donald Trump hay ông Joe Biden là Tổng thống thứ 46 của Mỹ, khác với thông lệ nhiều cuộc bầu cử, có thể chưa có sau trưa 4-11 (theo giờ Việt Nam)

Kịch bản hy hữu “trăm năm có một” sau ngày 3-11

Muốn giành chiến thắng chung cuộc, ông Donald Trump hay Joe Biden phải thu được ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri. Sẽ không có gì phải bàn trong trường hợp một trong hai ứng cử viên này giành chiến thắng thuyết phục, thu được số phiếu đại cử tri vượt trội so với đối thủ. Lúc đó, dù muốn hay không thì ứng cử viên có số phiếu đại cử tri ít hơn hẳn cũng buộc phải chấp nhận thất bại và gửi lời chúc mừng tới đối thủ.

Tuy nhiên, có một kịch bản được nêu ra là trường hợp cả Tổng thống Donald Trump lẫn ứng viên Joe Biden đều không giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đường đường trở thành vị Tổng thống thứ 46 mà mỗi người cùng giành được 269 phiếu đại cử tri. Trong trường hợp hy hữu “trăm năm có một” này, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được quyết định tại Hạ viện theo quy định của Tu chính án 12.

Kịch bản này nếu xảy ra sẽ kích hoạt một cuộc bầu cử đặc biệt theo Tu chính án thứ 12 Hiến pháp Mỹ, đồng nghĩa với việc Hạ viện tiến hành bầu chọn Tổng thống, trong khi Thượng viện chọn Phó Tổng thống. Theo đó, mỗi nhóm nghị sĩ của một bang tại Hạ viện chỉ có một lá phiếu duy nhất. Hiện nay, đảng Cộng hòa kiểm soát 26 trên 50 nhóm nghị sĩ bang, còn đảng Dân chủ kiểm soát 22. Trong hai nhóm còn lại, một nhóm có số đảng viên Cộng hòa và Dân chủ ngang bằng, nhóm kia gồm 7 đảng viên Dân chủ, 6 đảng viên Cộng hòa và một đảng viên Tự do.

Mọi tranh chấp bầu cử tại Quốc hội lưỡng viện đều phải được định đoạt trước thời hạn là ngày 20-1-2021, thời điểm mà Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ của Tổng thống hiện tại kết thúc. Theo Đạo luật Kế nhiệm Tổng thống, nếu Quốc hội Mỹ khi đó vẫn chưa thể tuyên bố người thắng cử Tổng thống và Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ vai trò Quyền Tổng thống. Bà Nancy Pelosi, đảng Dân chủ bang California, hiện giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Trong trường hợp phải chờ đợi tới tiến trình pháp lý để quyết định ứng cử viên nào, Tống thống đương nhiệm Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden, giành chiến thắng thì đó có thể là một tiến trình khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Điều này gây lo lắng sâu sắc về cuộc chiến giữa hai ứng cử viên, hai phe Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ, ảnh hưởng hưởng tới an ninh trật tự và nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Cho dù, việc hai ông Donald Trump và Joe Biden phải bước vào cuộc quyết đấu pháp lý để phân định thắng thua rất khó xảy ra, song không có nghĩa là không thể xảy ra. Chính vì thế, những bức tường gỗ đã được dựng lên bên ngoài các tòa cao ốc ở Thủ đô Washington phòng ngừa tình trạng bạo lực xảy ra sau ngày bầu cử 3-11, trong khi vệ binh quốc gia đã tăng cường quanh Nhà trắng cũng như các tuyến phố. Lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ cũng đã kêu gọi dư luận bình tĩnh sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho dù có thể xảy ra tình trạng lộn xộn trên đường phố và trong công ty trong trường hợp xảy ra tranh cãi về kết quả bầu cử.

Vì thế, người dân Mỹ cũng như thế giới cùng mong muốn cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 46 của quốc gia này khép lại trong bình yên, cho dù chủ nhân của Nhà trắng trong 4 năm tới là ông Donald Trump hay Joe Biden.

“Tôi tranh cử với tư cách là một đảng viên Dân chủ đầy tự hào, nhưng tôi sẽ lãnh đạo với tư cách Tổng thống Mỹ. Tôi sẽ nỗ lực làm việc cho cả những người ủng hộ lẫn không ủng hộ tôi. Bởi đó là công việc của một tổng thống”.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden

“Tự tận đáy lòng, tôi cảm ơn tất cả các bạn và sẽ không làm các bạn thất vọng. Hy vọng của các bạn cũng chính là hy vọng của tôi, ước mơ của các bạn cũng chính là ước mơ của tôi và tương lai của các bạn là điều tôi đang phấn đấu mỗi ngày”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump