Kịch bản Libya sẽ lập lại ở Syria?

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 18 tháng nay tại Syria làm hơn 23.000 người thiệt mạng (theo số liệu thống kê của Tổ chức Nhân quyền Observatory của Syria), đang khiến cộng đồng quốc tế như “ngồi trên đống lửa” vì chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt chiến tranh tại nước này. 

Phương Tây đang nỗ lực tìm mọi cách gây sức ép buộc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực, nhường đường cho một Chính phủ mới. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga lại đang cố gắng ngăn chặn can thiệp quân sự vào Syria. Liên hợp quốc cũng đã khẳng định cả phe nổi dậy và thể chế của Assad sẽ đều phải chịu trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này.

Lấy kịch bản cũ để tấn công Syria?

Sau một thời gian dài luôn tỏ một thái độ không mấy mặn mà với việc can thiệp sâu vào tình hình đất nước Trung Đông, Tổng thống Barack Obama bất ngờ lên tiếng đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), gồm vũ khí hóa học lẫn sinh học đối với phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ chính quyền. Trước đó vài ngày, Ngoại trưởng Hillary cũng từng tiết lộ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc khả năng áp đặt vùng cấm bay ở Syria để bảo vệ dân thường. Phải chăng Mỹ lại định vin vào cái cớ này để thuyết phục nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng thế giới và người dân trong nước khi tiến đánh Syria? Và giờ đây, người ta giật mình nghĩ đến viễn cảnh, kịch bản ở Iraq và Libya sẽ tái diễn ở Syria.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, những phát biểu của Tổng thống Obama thực chất chỉ nhằm xoa dịu những phe phái diều hầu Mỹ đang đòi nước này phải nhanh chóng hành động trong vấn đề Syria. Hiện Mỹ đang phải đối diện với khó khăn chồng chất ở trong nước, đặc biệt là trong vấn đề kinh tế. Sau hai cuộc chiến kéo dài, cực kỳ tốn kém và gây mất mát lớn về con người ở Iraq và Afghanistan, một cuộc chiến tranh thêm nữa ở Syria chắc chắn sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân Mỹ. Bản thân ông Obama cũng không muốn đánh đổi sự nghiệp chính trị của mình để mạo hiểm đánh Syria trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Điều đó có thể khiến ông phải trả giá đắt.

 Việc Mỹ đánh Syria cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Giờ đây, ít ai có thể tin vào “cái cớ” về mối đe dọa vũ khí hóa học hay bảo vệ dân thường của Mỹ. Ông Lawrence Freeman từ tạp chí Intelligence Review của Mỹ nhận định cho rằng Mỹ đang tìm một cái cớ để can thiệp vào Syria. "Những gì đang diễn ra bây giờ là chính xác những gì chúng ta đã thấy với kịch bản dẫn đến cuộc chiến tranh Iraq. Chúng ta cũng thấy điều tương tự đã xảy ra ở Libya ", ông Lawrence Freeman nói: "Ý tưởng cho rằng chúng ta nên di chuyển 50.000-60.000 quân vào Syria để bảo vệ vũ khí hóa học là một cái cớ để lật đổ chính quyền".


Áp dụng lệnh cấm bay tại Syria?

Mới đây, phe nổi dậy đã cầu cứu Mỹ và các nước phương Tây hỗ trợ cung cấp thêm vũ khí và kêu gọi các cường quốc thực hiện vùng cấm bay ở Syria giống như ở Libya trước đây.

Tháng 3-2011, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từng áp dụng lệnh cấm bay tại Libya. Lệnh cấm bay này đã góp phần giúp phe nổi dậy tại Libya lật đổ chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafi một cách dễ dàng. 

Tuy nhiên, đối với Syria, việc áp đặt lệnh cấm bay khó khả thi khi trên bình diện quốc tế, Mỹ và đồng minh đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của Nga, Trung Quốc và Iran. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng phản đối áp đặt lệnh cấm bay và cho rằng đây là việc làm vi phạm chủ quyền của Syria. Ông Lavrov  nhấn mạnh, chỉ có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới có quyền quyết định có sử dụng vũ lực đối với đất nước Syria hay không. Ông Lavrov cũng cảnh báo rằng, hành động này sẽ chỉ khiến cho việc giải quyết cuộc chiến tại nước này trở nên rắc rối thêm. Bộ Ngoại giao Iran cũng vừa lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ về thiết lập vùng cấm bay tại Syria, cho rằng hành động của Mỹ đang gây tổn hại đến sự phát triển của khu vực Trung Đông và có thể Mỹ sẽ lặp lại kịch bản Libya tại Syria.

Còn xét về khía cạnh quân sự, hiện hệ thống phòng không của Syria được đánh giá là hiện đại gấp 5 lần so với Libya. Tất cả các hệ thống phòng không này đều được dàn trận trên biên giới phía Tây Syria - nơi tập trung đông dân cư. Nên cho dù có tiêu diệt được hệ thống phòng không của Syria thì cũng đồng nghĩa với lượng dân thường thiệt mạng sẽ rất lớn. Nếu con số thương vong do lệnh cấm bay tại Syria lớn ngoài sức tưởng tượng thì Mỹ và đồng minh sẽ không tránh khỏi sự phản đối và lên án mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế. 

Về mặt chiến lược, một cuộc chiến kiểu Libya nếu tái diễn ở Syria chưa biết thắng thua ra sao, nhưng chắc chắn sẽ gây hại nhiều cho Mỹ và phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Điều đặc biệt là cuộc chiến có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, gây tốn kém tiền của, thiệt hại, tổn thất về người không thể lường trước. Không loại trừ khả năng khi mối đe dọa từ bên ngoài là Mỹ và phương Tây tăng lên, Trung Đông và Bắc Phi sẽ tạm gạt bỏ những bất đồng xưa nay để bắt tay cùng đối phó. Khi ấy, nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến khu vực châu Phi chống lại châu Âu không còn là điều không tưởng. Riêng với châu Âu do sự gần gũi về mặt địa lý với Bắc Phi thì những hỗn loạn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi thành thảm họa với chính người châu Âu. Vấn đề người nhập cư Bắc Phi tràn vào Italy và Pháp là một ví dụ điển hình. 

Trên phạm vi toàn cầu, việc Mỹ và phương Tây dựa vào các nghị quyết của LHQ để mở rộng cuộc chiến tại Libya, viện vào lý do ngăn chặn thảm họa nhân đạo để vượt lên chủ quyền, can thiệp vào nội bộ của một số quốc gia châu Phi đang tạo ra những tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế. Vũ lực không thể là lời giải đúng đắn và lâu dài cho các xung đột mà những bài học nhãn tiền ở Iraq, Afganistan, và hiện tại là ở Libya đã cho thấy dù Mỹ và phương Tây có thể dàn xếp các hành động quân sự nhưng sau đó không thể quyết định được chuyện thành - bại của các hành động đó. 

Damascus muốn mở cửa cho “hoà giải dân tộc”

Hãng tin Ria Novosti ngày 22-8 dẫn lời Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil trong chuyến thăm Nga cho rằng những phát biểu của Tổng thống Obama chỉ là lời đe dọa mang tính tuyên truyền cho cuộc bầu cử sắp tới. Đó chỉ là một ván bài trong chiến dịch tranh cử của ông Obama. Bên cạnh đó, ông Jamil cũng nhận định, sẽ là không dân chủ nếu coi việc từ chức của Tổng thống Bashar Al-Assad là một điều kiện tiên quyết để đối thoại giữa các phe phái ở Syria. Phó Thủ tướng Jamil cảnh báo việc phương Tây cố gắng áp đặt ý định Tổng thống Assad phải từ chức lên suy nghĩ của người dân Syria sẽ tạo một “tiền lệ vô cùng nguy hiểm”. 

Để tránh tổn thất cho người dân Syria, nước này đã sẵn sàng thảo luận việc từ chức của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây cũng là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn và hy vọng đó có thể là giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 18 tháng nay tại Syria. Tuy nhiên, cánh cửa mà Chính quyền Syria mở ra liệu có được các nước, phe đối lập và các bên liên quan sẵn sàng đàm phán, tuân thủ các nguyên tắc theo hướng tích cực hay không ? 

Các chính trị gia của cả Nga và Syria đều hy vọng rằng đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Liên hợp quốc, ông Lakhdar Brahimi, sẽ theo sát Kế hoạch hoà bình 6 điểm của ông Kofi Annan và sẽ đưa ra quyết định trong các cuộc đàm phán tại Geneva để mang lại hòa giải dân tộc, đem lại hòa bình cho người dân Syria