Kịch bản khả thi nhất

ANTĐ - Cũng như mọi năm, chuẩn bị hành trang bước sang năm mới 2013, các nhà hoạch định chính sách đã luận bàn để đưa ra những “kịch bản” phát triển kinh tế. Một số tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế cũng công bố dự báo của mình về khả năng và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới. Theo đó, GDP năm 2013 của nước ta sẽ phục hồi khiêm tốn ở mức 5,5%. Đầu tư và xuất khẩu sẽ đóng góp lớn cho sự phục hồi. Sự khởi sắc của nền kinh tế có tác động làm tăng niềm tin thị trường và tăng tiêu dùng nội địa.

Trong 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2013, vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra, kịch bản tăng trưởng GDP 5,68%, lạm phát 7,1%, tăng trưởng xuất khẩu 14,6%, được đánh giá là có tính khả thi và hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay. Vì sao những chỉ tiêu quan trọng trên phải tính toán một cách chi ly đến từng phần trăm “lẻ loi” như vậy?

Theo lý giải của Trưởng ban Kinh tế thế giới, sang năm 2013, triển vọng thương mại toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ, trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở sâu, tăng trưởng gắn liền với xuất khẩu thì hoạt động thương mại ở Việt Nam vẫn chịu nhiều tác động. Khủng hoảng nợ công ở châu Âu, thâm hụt ngân sách của các nước, sự suy giảm tăng trưởng sẽ cộng hưởng xấu tới tình hình sản xuất và cán cân thương mại của nước ta trong năm tới. Dựa trên ước tính tình hình kinh tế nước ta năm 2012 đã được báo cáo trước Quốc hội, dựa vào bối cảnh kinh tế năm 2013 và một số kịch bản tăng trưởng kinh tế do một số tổ chức quốc tế xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế ở 3 cấp độ: tăng trưởng thấp, cao và chủ đạo.

Cho dù kịch bản nào xảy ra, theo nhóm tác giả, Chính phủ vẫn cần kiên trì giữ vững lạm phát ở mức tương đương năm 2012, duy trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt. Đặc biệt, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là giải quyết ráo riết nợ công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Điều này hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của Ngân hàng Standard Chartered trong báo cáo “Việt Nam - Con tàu đang dần thẳng hướng” vừa được công bố. Báo cáo này khuyến nghị hai vấn đề cần hết sức lưu ý trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Một là, việc tăng trưởng tín dụng chậm hơn nhiều so với tăng trưởng huy động trong năm 2012 là một tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp đang giảm đòn bẩy nợ. Nếu tiếp tục duy trì có thể giúp cải thiện “sức khỏe” ngành tài chính năm 2013. Hai là, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao mặc dù đã có những cam kết xử lý bài toán nợ xấu từ các ngân hàng, song đến nay các kế hoạch chi tiết vẫn chưa được công bố. Tình hình tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ ổn định quanh mức 21.000 VND  “ăn” 1 USD trong năm 2013, nhưng không phải đồng nội tệ không có điểm yếu. Điểm yếu nhất của VND chính là nợ xấu trong các ngân hàng và độ tin cậy của chính sách thấp. Tỷ lệ nợ xấu cao chỉ có thể nguy hiểm cho tiền đồng khi những khoản nợ này “leo thang” thành cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, đánh mạnh vào niềm tin ở hệ thống tài chính và kinh tế.

Việc lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế, theo khuyến cáo của các chuyên gia trong nước và quốc tế, sẽ không rơi vào tình trạng chủ quan, duy ý chí nếu Chính phủ có chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng sản xuất đình đốn, giải quyết nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Kịch bản khả thi nhất hoàn toàn tùy thuộc vào bàn tay của “tổng đạo diễn”.