Kịch bản hành động

ANTĐ - “Triển vọng kinh tế thế giới và ứng phó của Việt Nam” là cuộc hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Viện Khoa học xã hội tổ chức mới đây. Hầu hết đại diện các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đều có chung nhận định, kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam là do cấu trúc của nền kinh tế, trong đó, đáng ngại nhất là tình trạng đầu tư càng tăng, hiệu quả đầu tư càng giảm trong nhiều năm trở lại đây.

Năm 2012, Chính phủ lựa chọn kịch bản điều hành tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%, thấp hơn mục tiêu đặt ra trước đó, nhằm ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ xác định tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Trong đó bao gồm tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, mà trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính-trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, tăng chất lượng.

Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á phân tích những biến số kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ đầu năm tới nay cho thấy, so với các nước trong khu vực, lạm phát của Việt Nam ở mức cao nhất (hiện xấp xỉ 20%); dự trữ ngoại hối cũng ở mức thấp nhất; tổng nợ của Chính phủ trên 50%/GDP trong khi mức trung bình của các nước đang phát triển chỉ khoảng 40%; lãi suất thực rất thấp khiến tiết kiệm VND kém hấp dẫn so với tiết kiệm vàng, đô la Mỹ kéo theo sự mất ổn định của thị trường ngoại hối.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao; thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề; đồng nội tệ yếu kém đó là thực lực kinh tế nước ta khi bước vào năm 2012. So với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 3 năm qua với giai đoạn 10 năm trước đó,Việt Nam là một trong mười nước giảm mạnh nhất với mức giảm trên 1%, ngược chiều với tốc độ tăng vốn đầu tư. Ông Viện trưởng nhấn mạnh: “Tình trạng kéo dài nhiều năm qua là vòng xoáy đình trệ đi kèm với lạm phát cao, thực sự rất đáng lo ngại”.

Bởi vậy, mối quan tâm chính là khả năng hoàn thành kịch bản kinh tế do Bộ Kế hoạch - Đầu tư đặt ra. Cụ thể, so với năm 2011, tổng đầu tư xã hội giảm mạnh từ 39,8%/GDP xuống còn 33,5-34%/GDP, song GDP lại tăng nhanh hơn, (dự kiến 6-6,5%) so với 5,8% của năm 2011), với hi vọng vào tăng hiệu quả đầu tư, chẳng khác nào trông đợi vào một “phép màu”. Lạm phát thấp hơn song GDP lại tăng cao hơn, trong khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tiếp tục thắt chặt, doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn ra sao?

Theo các chuyên gia đây là kịch bản mục tiêu, kiểu “phấn đấu đạt được” mà chưa được lý giải, chứng minh hợp lý. Do vậy cần có một kịch bản hành động mạnh, đúng tinh thần tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 như một “trục” giải pháp của ổn định và khôi phục kinh tế. Theo đó, ưu tiên ngắn hạn là giảm lạm phát. Ưu tiên hành động là cải cách tiền lương khu vực nhà nước đi kèm với thiết lập kỷ cương nhằm nâng cao hiệu lực của chính quyền…

Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, một kịch bản hành động là phải chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, tái lập ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, khôi phục lòng tin. Đặc biệt là phải xây dựng lòng tin vào quản lý vĩ mô, bởi bất ổn vĩ mô là do thiếu thông tin và lòng tin. Để làm được điều này, Chính phủ cần phải minh bạch ngân sách, công bố số liệu kinh tế vĩ mô và tài chính, khuyến khích “văn hóa minh bạch” trong các doanh nghiệp nhà nước.