Khuyết tật tâm hồn

ANTĐ - Giờ ông trời cho bác trở lại tuổi thanh niên, bác sẽ chọn nghề gì?

- Tôi sẽ cố gắng thi bằng được vào đại học để làm bác sỹ, hoặc tài chính, ngân hàng, chí ít cũng phải làm luật sư…

- Cả mấy nghề đó đều cao quý, cái thì cứu đời, khiến con người khỏe mạnh để yêu nhau hơn, cái thì làm giàu cho đất nước, cái vì lẽ công bằng ở đời, hay đấy.

- Hay gì đâu, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mấy nghề đó làm giàu dễ thôi. Muốn sống “oanh liệt” ở đời thì phải có tiền.

- Thế sao hồi còn trẻ bác luôn ước ao được làm thầy giáo, dùng phấn trắng, bảng đen để vẽ nên những ước mơ?

- Cái thời “nông nổi như cái chổi” đã qua rồi. Có tiền, có quyền muốn “vẽ” cái gì chẳng được.

- Trông bác mặt mũi sáng láng, thân hình cao lớn mà sao thua xa người đàn bà tật nguyền ở Sơn Trà, Đà Nẵng.

- Bà ấy nhiều tiền, nhiều nhà đất lắm à?

- Trái lại, người đàn bà tật nguyền này chỉ có túp lều ở nhờ trên đất của phường, vậy mà bà ấy nhịn đói, nhịn khát, dùng số tiền trợ cấp ít ỏi của mình mua sách vở, dạy chữ cho các cháu thiểu năng trí tuệ trong vùng. Tối đến bà ấy còn ôm thúng bánh mì đi bán rong kiếm tiền thuốc thang cho bản thân và cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

- Nhà chật, chẳng có điện đóm, quạt mát, không đi bán bánh mì ngồi nhà cho muỗi nó “thịt” à?

- Cha ông mình nói đúng, ở đời không gì đáng sợ hơn kẻ khuyết tật về tâm hồn. Bác nói với cái lối vô cảm ấy là con bệnh nặng cần phải chữa trị sớm.