Khuyến khích nhân tài “bỏ qua” đại học

ANTĐ - Trước tình trạng thời gian gần đây, chỉ một nửa số sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ tìm được việc làm và nợ sinh viên đã lên tới 1 nghìn tỷ USD, Peter Thiel - một trong những tỷ phú rất giàu ý tưởng của Mỹ đã đưa ra giải pháp riêng: Chi cho khoảng vài chục sinh viên có tương lai hứa hẹn nhất 100.000 USD để nghỉ học theo đuổi niềm đam mê của họ. 

Tỷ phú Peter Thiel

Đại học không phải là tất cả

“Chúng ta có một quả bong bóng trong giáo dục, giống như hiện tượng bong bóng nhà ở thập niên trước. Mọi người đều tin rằng bạn phải có một ngôi nhà nên họ muốn có bằng mọi giá. Tương tự, ai cũng cho là cần phải học đại học nên mọi người đều muốn hy sinh cho sự nghiệp học hành”, Peter Thiel nói. Vì thế có hiện tượng, một số tân cử nhân Mỹ sau khi hồ hởi cầm tấm bằng tốt nghiệp đã nhanh chóng cảm thấy tương lai khá ảm đạm vì ngập trong số tiền vay nợ. Và với Peter Thiel, chờ đợi đến khi tốt nghiệp là lãng phí khoảng thời gian quý báu.

Thành công đến với Peter Thiel như một điều hiển nhiên: Một thần đồng, nhà vô địch cờ vua và trở thành tỷ phú khi chưa đầy 40 tuổi. Tuy chưa tốt nghiệp Đại học Stanford và một số trường luật, nhưng ông đã kiếm được hàng triệu USD khi là người đồng sáng lập hãng thương mại điện tử Paypal rồi trở thành tỷ phú khi là một trong những nhà đầu tư vào Facebook đầu tiên.

 Mỗi năm, tỷ phú Peter Thiel sẽ lựa chọn 20 sinh viên và trả cho họ 100.000 USD để họ theo đuổi ý tưởng của chính mình. Điều kiện duy nhất là… bỏ học. Peter Thiel giải thích, ý tưởng của ông là để mọi người nghĩ kỹ về lý do tại sao họ học đại học. Nếu ước mơ của anh là trở thành giáo sư, bác sĩ hoặc một nghề nghiệp cần đến chứng chỉ bằng cấp thì nên và có lẽ phải đi học đại học, nhưng nếu yêu thích một lĩnh vực nào đó, tại sao lại không mạo hiểm? 

Peter Theil cho rằng, thực trạng chỉ một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây tìm được công việc đúng nghĩa và nợ sinh viên lên đến 1 nghìn tỷ USD, rõ ràng hệ thống giáo dục có gì không ổn. Thực tế là, học phí đại học ở Mỹ đã tăng gấp 4 lần kể từ những năm 1980, nhiều sinh viên phải trả tới 250.000 USD cho 4 năm học, liệu sau khi ra trường đến khi nào họ mới trả nổi số nợ kinh khủng đó”. Vì thế, đôi khi bằng cấp chỉ mang giá trị “trang trí”.

“Trong xã hội chúng ta có những người thành công được khuyến khích đi học đại học. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng điều đó làm nên những con người thành công”, ông nói. Lập luận của Peter Thiel không phải không có lý khi hiện tại, có rất nhiều tấm gương về những nhân vật cực kỳ nổi tiếng, thành công trong cuộc sống mà chưa từng tốt nghiệp đại học. Mark  Zuckerberg của Facebook chưa học xong chương trình tại      Harvard, “phù thủy công nghệ” Steve Jobs đã bỏ trường Reed còn tỷ phú Bill Gates cũng “rẽ ngang” khi đang theo học tại Harvard. “Khi bạn làm kinh doanh, bằng chứng nhận không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là có ý tưởng trúng, đúng lúc, đúng chỗ”, tỷ phú Peter Thiel khẳng định. 

Mới chỉ… thử nghiệm 

Bắt tay thế nào, tiếp xúc bằng mắt ra sao… đó chỉ là một trong những nội dung của khóa học ngắn ngày về kỹ năng mà những ứng viên được chọn như Sujay Tyle cần có trên con đường định hình sự nghiệp riêng. Cô từng là một tân sinh viên 18 tuổi của Đại học Harvard và rồi giành suất học bổng 100.000 USD cho kế hoạch chế tạo nhiên liệu sinh học giá rẻ. Sujay Tyle tâm sự, ban đầu cha mẹ cô không hưởng ứng chương trình này vì hai người chưa từng có cơ hội học qua đại học trong khi họ từng rất tự hào về cô con gái tốt nghiệp một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của Mỹ.

 Trong số 24 sinh viên đầu tiên được chọn để đào tạo nghề này còn có Alex Kiselev. Không phải là sinh viên của một trường danh tiếng nào như Harvard, anh chỉ đang theo học một trường cao đẳng cộng đồng khi giành được học bổng với kế hoạch sản xuất dụng cụ khoa học với giá rẻ hơn. “Nhìn vào cách giải quyết nợ nần của cha mẹ, tôi đoán có lẽ mình phải hy sinh 5-10 năm đầu, thậm chí là 15-20 năm, đặc biệt là nếu không tìm được việc làm có mức lương hậu hĩnh”.

 Theo tỷ phú Peter Thiel, gần một nửa số sinh viên được chọn đến thời điểm này đã bắt tay vào việc. Trong đó, một số người đã nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư bên ngoài. Ông tin rằng cuộc sống của họ đang tiến triển hơn rất nhiều so với nếu còn ở trong trường đại học. 

 Mặc dù đây chỉ là một chương trình nhỏ lẻ nhưng ngay lập tức nó đã gây tranh cãi trong dư luận. Vivek Wadhwa, một doanh nhân thành đạt, cũng là giáo sư tại ĐH Duke và Stanford đã sốc khi biết kế hoạch của Peter Thiel. “Ý tưởng thì có hàng tá, ai cũng có ý tưởng riêng. Điều làm nên thành công là đưa ra ý tưởng, biến nó thành một phát minh, và sau đó chuyển giao thành một công ty. Những kỹ năng này chỉ có thể đạt được thông qua giáo dục. Có thể trong một triệu người mới có một Mark Zuckerberg, nhưng không thể có tới 5 Zuckerberg cùng lúc”.

Tuy nhiên, bản thân tỷ phú Peter Thiel thừa nhận mọi việc mới chỉ bắt đầu và mục tiêu không phải là đào tạo ra những người giàu. Các ứng viên cũng nói rằng nếu mọi việc không suôn sẻ, họ có thể quay trở lại trường đại học để học tiếp. Chàng trai Alex Kiselev tâm sự: “Kinh doanh là thế, khi bạn cố gắng làm một cái gì đó mới mẻ, rất có thể là bạn sẽ thất bại. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi chúng tôi 21 hay 22 tuổi, thời điểm tất cả các bạn bè đã tốt nghiệp đại học, tôi tin nhiều khả năng chúng tôi sẽ thành công hơn họ”.