Khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tại di tích

ANTD.VN - Xung quanh việc khắc phục hậu quả vụ cháy nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu (phường Bưởi, quận Tây Hồ), đồng thời tăng cường công tác phòng cháy tại các di tích trên địa bàn, Sở VH-TT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ trong đó nhấn mạnh biện pháp phục hồi  di tích kể trên.

Khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tại di tích ảnh 1Hương án chùa Bút Tháp (niên đại hơn 300 năm) với hình ảnh chạm khắc tinh xảo đã bị cháy vào tháng 8-2015

Có phục hồi được yếu tố gốc?

Sau vụ cháy nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu rạng sáng 5-11 gây thiệt hại nghiêm trọng về cảnh quan cũng như di vật, bên cạnh việc nhanh chóng ổn định sinh hoạt của nhà chùa, ổn định các hoạt động liên quan đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích, Sở VH-TT yêu cầu UBND quận Tây Hồ tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ cháy đối với toàn bộ các hạng mục kiến trúc trong di tích.  Dự kiến, thời gian tới sẽ đo vẽ lại hiện trạng, trên cơ sở đó hạ giải phần khung nhà còn lại sau đám cháy đảm bảo an toàn. Đối chiếu hồ sơ di tích, hồ sơ quản lý, hồ sơ tu bổ lưu giữ  xác định chính xác hiện vật, tài sản bị thiệt hại trong hỏa hoạn. Đề xuất phương án phục hồi nhà Tổ, phục hồi các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Di tích chùa Tĩnh lâu (hay còn gọi là chùa Sải) được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1996. Theo hồ sơ xếp hạng năm 1995, nhà Tổ chùa gồm 1 nếp nhà ngang 3 gian ở phía sau chùa chính. Vào thời gian này, nhà Tổ bị xuống cấp nên  pho tượng sư tổ Đạt Ma được chuyển sang thờ bên nhà Mẫu. Sau khi hoàn thành sửa chữa, pho tượng này lại được chuyển về chỗ cũ. Còn theo hồ sơ kiểm kê mới nhất năm 2015, nhà Tổ gồm 6 pho tượng, 1 tượng sư tổ Đạt Ma, 1 tượng A di đà, 1 tượng Di lặc, 1 tượng Quan âm và 2 tượng sư tổ của chùa. Trong đó, có niên đại lâu năm nhất là tượng sư tổ Đạt Ma được xác định tạo tác theo phong cách đầu thế kỷ XX, các hiện vật còn lại đều được đưa vào những năm gần đây.

Nhà Tổ vừa bị cháy được tu bổ, tôn tạo và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2003 gồm 5 gian, 2 dĩ và hậu cung với tổng diện tích 270m2.

Khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tại di tích ảnh 2Hệ thống điện tại một ngôi đình cổ ở Bắc Giang (ảnh: Nguyễn Bình)

Siết chặt phòng chống cháy nổ

Ông Trần Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa) cho biết, tại Nghị định 70/2012/NĐ-CP “Quy định thẩm quyền trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” và Thông tư 18, “Quy đinh chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” đều có những quy định cụ thể về hạ tầng kỹ thuật và phòng chống cháy nổ. Tùy theo từng cảnh quan di tích có thể đề xuất phương án về phòng chống cháy nổ, ví dụ như các hạng mục thiết kế bể nước hoặc trụ cứu hỏa.

Ông Trần Thành cũng cho biết thêm, hàng năm Bộ VH-TT&DL đều có các chỉ thị, yêu cầu Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố siết chặt các hoạt động phòng chống cháy nổ và mất cắp cổ vật, đồng thời yêu cầu chấn chỉnh lại việc quản lý di tích, không khoán trắng cho ban quản lý di tích địa phương. Hệ thống các văn bản pháp quy hiện tại quy định rất rõ về quyền hạn, nghĩa vụ của từng cấp. Chỉ cần thực hiệm nghiêm thì những rủi ro cháy nổ chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, trước thực trạng di tích cháy ngày một nhiều, gây ra những mất mát đặc biệt nghiêm trọng, trong thời gian tới Cục Di sản Văn hóa sẽ cân nhắc, đề xuất việc thanh tra, kiểm tra đột xuất các di tích trọng điểm, đồng thời yêu cầu ngành văn hóa các tỉnh, thành phố đầu tư, kiểm tra các thiết bị PCCC, khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tại các di tích.