Khủng hoảng y tế Anh - hậu quả trông thấy đầu tiên sau Brexit

ANTD.VN - Dịch vụ y tế công vốn là niềm tự hào một thời của Anh đang đối mặt với khủng hoảng thiếu bác sĩ và giường bệnh nghiêm trọng trong bối cảnh số người mắc cúm vào viện cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. 

Khủng hoảng y tế Anh - hậu quả trông thấy đầu tiên sau Brexit ảnh 1Các bác sĩ và nhân viên y tế tuần hành tại London, kêu gọi Chính phủ tăng ngân sách cho NHS

Theo báo cáo của hệ thống y tế công (NHS), trong tuần qua số người nhập viện do bị cúm tăng hơn 50% so với tuần trước tại Anh. Do không đủ bác sĩ và giường bệnh nên nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, chỉ có 85% số bệnh nhân đến bệnh viện được bác sĩ thăm khám trong vòng 4 tiếng. Lãnh đạo các bệnh viện cho biết tình trạng này xảy ra do NHS thiếu ngân sách trầm trọng. 

Do thiếu ngân sách nên các bệnh viện công hiện nay trên toàn nước Anh đều rơi vào tình trạng các nhân viên y tế làm việc quá tải, bệnh nhân không được chăm sóc cẩn thận và cơ sở vật chất thiếu thốn. Tỷ lệ dân số già ở Anh đang ngày càng tăng lên trong khi tiến bộ về y học, các phương pháp điều trị trở nên phức tạp và tốn kém.

Ông Chris Hopson làm việc tại công ty cung cấp nguồn lực cho hệ thống bệnh viện công của Anh cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của NHS, các khoa cấp cứu hồi sức lớn của Anh đều không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh khẩn cấp cho bệnh nhân. Các bệnh viện thiếu từ 10.000-15.000 giường bệnh, hơn 100.000 ca mổ từng bị hoãn và 1 triệu cuộc hẹn khám bệnh bị hủy do thiếu bác sĩ trong khoảng một tháng qua.

NHS kêu gọi Chính phủ cần quyết định lại mức ngân sách cho hệ thống trong dài hạn. Từ năm 2010 đến nay, hệ thống này chỉ được tăng ngân sách khoảng 1%/năm thay vì 4% như trước đây.

NHS ở Anh không giống như hệ thống chăm sóc sức khỏe ở hầu hết các nước châu Âu giàu có, hoàn toàn dựa vào ngân sách. Nhưng sau nhiều năm kiềm chế chi tiêu kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và với Brexit được dự báo sẽ làm giảm bớt sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu hệ thống hiện tại có thể tồn tại bao lâu mà không có nguồn tài chính mới. 

Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng Chính phủ đã làm hết khả năng có thể để giúp NHS và bệnh viện quá tải tại thời điểm hiện nay là do dịch cúm bất thường. Người phát ngôn Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh cùng ngày cho biết Chính phủ đã có các kế hoạch để giúp các bệnh viện đối phó với tình trạng trên, trong đó có cả việc bổ sung ngân sách khẩn cấp. Về lâu dài, Anh sẽ tăng cường đào tạo bác sĩ bổ sung cho NHS - dự kiến tăng thêm 25% trong những năm tới.

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, ngành y tế Anh mới được cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân lực. Các nghị sĩ Anh từng yêu cầu Chính phủ nước này sớm có chính sách rõ ràng đảm bảo quyền làm việc và sinh sống cho các nhân viên y tế đến từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Đây là cơ sở để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng sau khi Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” châu Âu. 

Theo báo cáo về thực trạng nhân lực trong ngành y tế Anh, số lượng nhân viên y tế là công dân các nước EU hiện chiếm 7% trong 12% tổng số người nước ngoài đến Anh lập nghiệp. Do đó, các nghị sĩ lo ngại những quy định hạn chế lao động EU ở Anh trong giai đoạn hậu Brexit có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân lực trầm trọng. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt thừa nhận. 

Tuy nhiên, không chỉ ngành y tế, báo cáo của Phòng Thương mại Anh (BCC) cảnh báo Anh sẽ thiếu trầm trọng nhân công nếu người đứng đầu các cơ quan bộ ngành của Anh không “nhẹ tay” với vấn đề nhập cư, cho phép cả nhân công lành nghề và không lành nghề EU tiếp tục đến Anh làm việc. BCC cho biết 76% các nhà sản xuất của Anh hiện đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng nhân viên lành nghề và nhiều doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ khách sạn đang thiếu nhân lực. Bất chấp những cảnh báo trên, tuần qua, Chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ chấm dứt việc công dân EU tự do đến Anh tìm việc sau Brexit.