Những học sinh đầu tiên rời cấp tiểu học với thông tư 30:

"Khủng hoảng" vì kiểm tra, điểm số đầu lớp 6

ANTD.VN - Hiện, nhiều học sinh cũng như phụ huynh rất lo lắng trước những cảnh báo liên tục từ nhà trường về điểm số thấp của các con từ các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết các môn trong chương trình lớp 6. Đây là hình ảnh trái ngược với không khí tiểu học mà những học sinh này vừa trải qua năm học trước khi kiểm tra không cần chấm điểm, không có bài tập về nhà...

"Khủng hoảng" vì kiểm tra, điểm số đầu lớp 6 ảnh 1Học sinh vừa rời cấp tiểu học khó thích ứng với cách học và chấm điểm của THCS

Học ngày học đêm vẫn bị 1 điểm

“Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, trái ngược với những gì diễn ra ở bậc tiểu học. Lớp 5, con tôi không phải đi học thêm, không phải làm bài tập về nhà tới 11-12h đêm. Trong khi đó, mới gần 2 tháng vào lớp 6, con tôi cũng như bạn bè cùng lớp hầu như chỉ nhận được những nhận xét của giáo viên về tình trạng điểm kiểm tra thấp, quên chưa chuẩn bị bài tập các môn học...” - chị Nguyễn Phương Nhung, phụ huynh trường THCS Nguyễn Du cho biết.

“Các con không có khái niệm phân biệt giữa kiểm tra lấy điểm vào sổ điểm thay vì kiểm tra, chấm điểm để đấy cho biết. Vì vậy có những con rất thành thực trả lời con quên không học bài vì tối buồn ngủ khi nhận được điểm 1 kiểm tra 15 phút môn Lịch sử. Các con chưa hình dung được là kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng sẽ không được báo trước” - cô Minh Ánh, giáo viên trường THCS Thành Công cho biết. 

Trong khi ở cấp tiểu học, học sinh chỉ được chấm điểm cuối kỳ và cuối năm học với 2 môn Toán, Tiếng Việt, thì ở cấp THCS, học sinh có tới 11 môn học, trong đó có 9 môn đánh giá bằng cho điểm, trừ môn Thể dục, Nhạc, Họa đánh giá bằng nhận xét. “Chỉ tính riêng môn Văn, cả điểm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 1 tiết và kiểm tra học kỳ, mỗi học sinh có khoảng 18-19 đầu điểm trong một học kỳ. Điều này có nghĩa các con phải liên tục học, liên tục kiểm tra lấy điểm. Nếu cứ nhận điểm dưới trung bình thì thay vì học sinh được đánh giá toàn diện mọi mặt như ở tiểu học, lên THCS chỉ còn là học sinh trung bình” - cô Minh Ánh phân tích.

Điều khiến các bậc phụ huynh xót xa cho con em mình là với 11 môn học nhưng phần lớn các con chỉ học 1 buổi/ngày, lượng kiến thức quá nhiều chưa kịp tiếp thu thì lại phải tham gia các lớp học thêm. Đến tối về, nhiều con đã quá mệt mỏi vẫn phải làm bài tập mà vẫn không xuể. “Nhìn con cứ bò ra học mà điểm số vẫn lẹt đẹt, tôi cứ nghĩ nếu tiểu học không bỏ chấm điểm thì có lẽ con mình không phải chịu áp lực lớn như thế ở cấp THCS” - chị Nhung bức xúc.

Thiếu tính liên thông các bậc học

Thực tế này đã được bà Lê Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội phản ánh với rất nhiều chuyên gia giáo dục và lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi đánh giá kết quả triển khai Thông tư 30 của Bộ. Bà Trang cho biết, vì là trường liên thông nhiều cấp học nên ý kiến phản hồi từ bậc THCS của trường này cho thấy, học sinh tiểu học sau khi áp dụng Thông tư 30 thì lười học hơn, nhiều em không định lượng được cách thức làm một bài kiểm tra ra sao. Điều này khiến giáo viên lẫn học sinh đều rất vất vả. “Việc thay đổi cách đánh giá với học sinh tiểu học là cần thiết nhưng Bộ 

GD-ĐT cần phải có tính toán hợp lý giữa 2 cấp học. Không nên thay đổi quá đột ngột về cách đánh giá khi học sinh lên cấp học cao hơn, phải đảm bảo tính liên thông, không thể thực hiện khập khiễng giữa các cấp học, gây áp lực cho học sinh, giáo viên” - bà Trang nhấn mạnh.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc triển khai Thông tư 30 chưa thành công chính vì nhận thức của giáo viên, phụ huynh ở cấp 1 chưa rõ ràng. Cha mẹ thấy không cho bài tập về nhà thì phấn khởi, giáo viên cũng “buông tay” khi không cần chấm điểm, không cần kiểm tra bài tập về nhà... Trong khi đó, nếu giáo viên thực sự “ngấm” Thông tư 30 thì sẽ hiểu cần phải trang bị, hướng dẫn kỹ lưỡng cho học sinh cách tự học, tự sáng tạo... Như thế, học sinh mới có tính tự lập, tự tìm ra giải pháp trong quá trình học. Từ đó, lên cấp THCS, các em sẽ thích nghi với môi trường học tập mới nhanh chóng chứ không rơi vào tình trạng “khủng hoảng” kiểm tra, điểm số, bài tập khi mới bắt đầu nhập cuộc.