Khủng hoảng tại Ukraine: Nga bác bỏ các cuộc hội đàm tại Geneve

ANTĐ - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ việc tổ chức cuộc đàm phán mới tại Geneve để xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraina, trừ khi các nhóm đối lập thân Nga có liên quan đến cuộc hội đàm này. 

Ngoại trưởng Nga cho rằng, hiệp ước được kí kết giữa Mỹ, châu Âu và Nga đã không được thực hiện. Ông Lavrov nhấn mạnh: "Lên kế hoạch một cuộc bầu cử trong khi quân đội đang được sử dụng chống lại một bộ phận dân cư không phải là điều bình thường – Đây không phải là ở Afghanistan".

Hôm thứ ba vừa qua (6/5), tại một cuộc họp báo diễn ra ở Vienna, ông Lavrov nhìn nhận: "Việc tổ chức thêm các cuộc đàm phán quốc tế ở Ukraina đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Chính phủ lâm thời ở Kiev và những nước đồng minh ở phương Tây cần phải thực hiện các bước được thông qua tại Geneve vào tháng trước để giải quyết cuộc khủng hoảng này".

Hiện nay, các bên có liên quan (bao gồm cả người ly khai ở miền đông Ukraine), đang cố gắng kiềm chế bạo lực, dọn các tòa nhà bị chiếm đóng và tước vũ khí để đổi lấy lệnh ân xá.

Về phía Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Andriy Deshchytsia cho biết: Ukraine đã sẵn sàng để trở lại vòng đàm phán mới tại Geneve, miễn là Moscow hỗ trợ cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới (25/5) ở Ukraine. Ông đồng thời yêu cầu các quan sát viên quốc tế sang giám sát cuộc bầu cử.

Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cảnh báo sẽ có "sự hỗn loạn và nguy cơ nội chiến" nếu cuộc bầu cử không diễn ra.

Tình hình vẫn căng thẳng tại Sloviansk vào thứ 3 (6/5) vừa qua. Trong ảnh, các tay súng
ủng hộ Nga tăng cường kiểm tra tại các trạm kiểm soát

Kiev đã bác bỏ yêu cầu của các nhà hoạt động ủng hộ Nga là chia quyền tự chủ lớn hơn cho khu vực phía đông, vì họ sợ có thể dẫn đến sự tan rã của quốc gia này hay khu vực vừa được sáp nhập.

Những người ly khai ở Donetsk đã tuyên bố thành lập "Cộng hòa nhân dân" và đang chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập vào ngày chủ nhật (11/5).

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi đây là kế hoạch "giả tạo và không có thật", và nói rằng Hoa Kỳ từ chối nó như là một "nỗ lực bất hợp pháp để tiếp tục chia rẽ Ukraine".

Trong một bình luận, Jonathan Marcus, phóng viên báo BBC cho rằng:

Mục tiêu của Nga trong cuộc khủng hoảng này là không thay đổi. Moscow khẳng định rằng đó chỉ đơn giản là hành động để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukranie. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo phương Tây tin rằng đó là ý định phá hoại tổ chức bầu cử tổng thống thực sự ở Ukraine vào cuối tháng này. Mục tiêu lâu dài của nó là làm suy yếu chính phủ tại Kiev.

Tuy nhiên, cán cân lợi ích có thể thay đổi. Trong khi nhiều tòa nhà và con đường vẫn còn nằm trong tay của nhóm người ly khai, nỗ lực của chính phủ Kiev nhằm gắn kết hoạt động an ninh một cách có hiệu quả làm gia tăng thêm mối quan tâm của Moscow đối với vấn đề này.

Nga hy vọng rằng, bằng cách dàn quân dọc biên giới của Ukraine trong khi tìm cách xâm nhập và làm suy yếu chính quyền của Kiev từ bên trong, thì Nga có thể đạt được mục đích nhanh chóng hơn. Trong thời gian này, biện pháp này được coi là có hiệu quả nhất.

Tình hình có vẻ như đã thay đổi, Kiev đang tác động tới lời kêu gọi về quân sự của Moscow, tiến gần hơn tới thời điểm mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phải quyết định có hay không sử dụng vũ lực quân sự công khai.