Khủng hoảng... rác thải

ANTĐ - Không phải chính trị hay nợ công, rác thải mới là “ngòi nổ” nguy hiểm dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông Lebanon suốt hơn 8 tháng qua.

Khủng hoảng... rác thải ảnh 1Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng rác thải hiếm có khi rác chất đống
trên nhiều đường phố ở Thủ đô Beirut

Nội các Lebanon ngày 12-3 đã thông qua kế hoạch mở hai bãi rác tạm thời nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải kéo dài đã 8 hơn tháng qua, làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục nghìn người dân nước này. Bộ trưởng Thông tin Lebanon Ramzi Jreij cho biết, trong khi chờ  mở lại bãi rác Naameh trong vòng 2 tháng tới, hai bãi rác tạm thời sẽ được mở ở Akkar, phía Đông Bắc Thủ đô Beirut và khu vực duyên hải Costa Brava thuộc phía Nam Beirut.

Theo kế hoạch, Chính phủ Lebanon sẽ dành 50 triệu USD cho các dự án phát triển gần các khu vực xử lý rác thải và sẽ hỗ trợ hàng năm 8 triệu USD đối với các cộng đồng ở khu vực có bãi rác hoạt động. Lebanon sẽ thành lập một ủy ban để giám sát việc thực thi kế hoạch triển khai trong vòng 4 năm này trước khi đưa ra một giải pháp cơ bản và lâu dài đối với vấn đề rác thải của đất nước.

Cuộc khủng hoảng bùng nổ từ trung tuần tháng 7-2015 khi Chính phủ Lebanon đóng cửa bãi rác thải Naameh lớn nhất của quốc gia được hình thành từ đầu những năm 1990 do quá tải, khiến rác tràn ngập đường phố Thủ đô Beirut. Không có chỗ thu gom,  rác thải chất thành những đống lớn ở nhiều nơi trên đường phố Beirut, thậm chí hình thành những “dòng sông rác”…  bốc mùi khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân Lebanon.

Chính phủ Lebanon đã đàm phán để xuất khẩu rác thải sang Nga song thất bại, còn người dân do không thể chịu đựng được ô nhiễm đã phải tự tìm cách giải quyết bằng cách đốt tại chỗ, song điều này lại càng khiến cho ô nhiễm thêm trầm trọng bởi khói bụi và khí độc lan ra rộng hơn.

Cuộc khủng hoảng rác thải trong hơn 8 tháng qua là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều cuộc biểu tình phản đối dẫn tới những vụ bạo động tại Lebanon. Mới đây nhất, ngày 12-3, cuộc biểu tình của hơn 3.000 người dân để yêu cầu chấm dứt cuộc khủng hoảng rác thải, vốn tạo ra hàng núi rác thải trên các bờ biển, khu rừng và dọc các bờ sông trên khắp Lebanon đã làm tê liệt giao thông ở khu vực trung tâm Thủ đô Beirut.

Kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải được thông qua chỉ vài giờ sau cuộc biểu tình mới nhất được Chính phủ Lebanon kỳ vọng sẽ giúp tháo “ngòi nổ” của cuộc khủng hoảng, song dư luận nước này lại đang rất hoài nghi. Bởi trong khi người dân ở Akkar lên tiếng phản đối việc mở rộng bãi rác ở khu vực này, người dân sống xung quanh khu vực Naameh cũng cho rằng bãi rác lớn nhất nước này không thể mở lại vì bất cứ lý do nào. 

Không chỉ Lebanon mà nhiều quốc gia như Italia, Tây Ban Nha… đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải, một vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng rác thải đang ngày càng nghiêm trọng với ước tính đến năm 2025, tổng khối lượng rác cư dân thành thị thải ra sẽ là 2,2 tỷ tấn/năm, tăng 70% so với mức 1,3 tỷ tấn hiện nay, trong khi chi phí xử lý rác thải rắn dự kiến lên tới 375 tỷ USD/năm, so với mức 205 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.