Khủng hoảng quan hệ nghiêm trọng với Qatar

ANTD.VN - Cuộc khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo A-Rập tại vùng Vịnh có nguy cơ leo lên nấc thang mới khi một số quốc gia đang trù tính những biện pháp mạnh tay hơn sau khi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Các quốc gia Hồi giáo A-Rập đang rơi vào một cuộc khủng hoảng quan hệ nghiêm trọng khi nhiều nước đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar

Cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng nổ khi các nước A-Rập Xê út, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc A-Rập thống nhất (UAE) ngày 4-6 đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do quốc gia này “làm mất ổn định khu vực”. Những quốc gia này còn cho rằng “Qatar đã đi quá xa” bởi ủng hộ khủng bố trong khu vực.

Cùng với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, A-Rập Xê út và Ai Cập còn quyết định đóng cửa biên giới, đóng cửa không phận cũng như cảng biển, không cho tàu thuyền và máy bay Qatar tiếp cận. Trong khi đó, UAE ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Qatar trong vòng 48 giờ. 

Đòn trừng phạt ngoại giao và giao thương trên đây được xem là hành động chưa có tiền lệ và thể hiện sự rạn nứt chưa từng thấy trong nhóm các nước Vùng Vịnh giàu có, đồng thời đều là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đó cũng là điều trước sau cũng tới bởi trước đó, Qatar trong suốt một thời gian dài đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc tài trợ cho khủng bố và phá hoại an ninh khu vực từ nhiều “quốc gia Hồi giáo anh em”.

Cho dù cùng là thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), song các thành viên khác trong hội đồng, nhất là A-Rập Xê út và Ai Cập, từ lâu đã cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm nổi dậy cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan tại các nước trong khu vực như Libya, Ai Cập, Syria, Yemen, Tunisia... Điều đặc biệt, Qatar còn phớt lờ nguyên tắc then chốt của GCC khi tăng cường quan hệ với Iran, quốc gia được xem là địch thủ khu vực của các nước GCC.

Bị Qatar thách thức và “chọc giận”, song các quốc gia vùng Vịnh, kể cả các “ông lớn” trong khu vực như A-Rập Xê út và Ai Cập, đều chưa thể mạnh tay với Doha bởi sự giàu có cùng vị thế của nước này. Tuy chỉ là đất nước nhỏ bé với 2,6 triệu dân nhưng Qatar là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, khiến thu nhập bình quân đầu người nước này cao nhất thế giới với 129.700 USD/người/năm. Bên cạnh đó, Qatar còn là đồng minh quan trọng của Mỹ tại vùng Vịnh, nơi đặt trung tâm điều hành bay của quân đội Mỹ trong khu vực và hiện có 10.000 quân Mỹ đồn trú.

Thế nhưng, giọt nước cuối cùng cũng tràn ly khi Qatar chỉ trích các tuyên bố chống Iran của các quốc gia láng giềng vùng Vịnh. Đòn trừng phạt được đưa ra nhằm cho Qatar thấy họ “đã đi quá xa trong các vấn đề khu vực và đã đến lúc phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Doha rằng không thể tiếp tục các chính sách khu vực mà không phải đối mặt với hậu quả”.

Một số quốc gia vùng Vịnh, tiêu biểu như Ai Cập, thậm chí còn muốn gia tăng hơn nữa các biện pháp trừng phạt Qatar bất chấp có thể bị thiệt hại nhất định về kinh tế. Ai Cập cảnh báo rằng, quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar có thể là “sự khởi đầu của các biện pháp tiếp theo đối với Doha” cùng với sự phối hợp của các nước A-Rập khác.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù muốn nhưng các quốc gia vùng Vịnh cũng khó gây khó dễ thêm cho Qatar bởi Mỹ không muốn cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và các quốc gia Hồi giáo khác trong khu vực ảnh hưởng tới cuộc chiến chống khủng bố. Washington có thể sẽ gây áp lực để Qatar và những “người anh em Hồi giáo A-Rập” ngồi lại cùng giải quyết bất đồng.