Khủng hoảng khí hậu đang khiến bão ngày một mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Yagi tại Philippines, Trung Quốc và Việt Nam một lần nữa cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu nặng nề như thế nào. Những siêu bão như siêu bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông có thể còn tiếp tục hình thành và gây họa cho các nước trong khu vực khi mà biến đổi khí hậu còn tiếp diễn trên thế giới.

Sẽ còn nhiều cơn bão tàn khốc hơn

Theo giới chuyên gia về thời tiết, Yagi (bão số 3) là cơn bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm gần đây, lên tới cấp siêu bão khi có sức gió lên tới cấp 16, giật trên cấp 17. Với sức gió lên tới 245 km/giờ, Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024 cho đến nay, chỉ đứng sau cơn bão Beryl ở Đại Tây Dương hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bão Yagi đổ bộ vào Philippines trong tối 1-9, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực. Theo báo cáo của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines, bão Yagi đã tấn công một số khu vực của Philippines khiến 16 người đã thiệt mạng, 15 người bị thương, 21 người khác mất tích.

Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi có sức gió lên tới 245 km/giờ, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ngày 6-9 đã khiến 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương ở Trung Quốc. Đồng thời, bão Yagi gây mất điện, gián đoạn thông tin liên lạc ở các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông; hàng loạt cây cối bật gốc và nhà cửa hư hại nghiêm trọng; 400.000 người phải sơ tán tránh bão…

Tại Việt Nam, siêu bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ đến Thanh Hóa, đặc biệt là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội… Tính đến trưa ngày 9-9, bão Yagi làm 59 người chết và mất tích cùng thiệt hại vô cùng nặng nề về kinh tế, trong đó chỉ riêng tại Hà Nội đã có hơn 25.000 cây xanh bị đổ gãy, bật gốc.

Nếu như các các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ thì điều hiếm thấy là, bão Yagi hình thành ở Đông Thái Bình Dương và khi đi vào Biển Đông mới mạnh lên thành siêu bão.

Cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc nhận định, trên toàn cầu, tần suất các cơn bão nhiệt đới như Yagi không tăng và trên thực tế, số lượng có thể đã giảm. Nhưng tỷ lệ các cơn bão nhiệt đới trên toàn cầu đạt đến cấp độ ba trở lên, nghĩa là đạt tốc độ gió cao nhất lại đang tăng lên.

Các nhà khoa học cho rằng, đại dương nóng hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên và nhanh hơn. Sự gia tăng nhanh chóng của bão nhiệt đới trong khí hậu ấm hơn là điều đáng lo ngại. Đặc biệt, rất khó dự đoán đường đi của bão nhiệt đới, dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt mối nguy hiểm cho cư dân ven biển, nên thiệt hại sẽ gia tăng.

Trước khi vào Biển Đông, Yagi chỉ là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa là 90 km/giờ, nhưng đã nhanh chóng mạnh lên với gió giật trên cấp 16 nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi là mặt biển ấm... Theo số liệu, từ tháng 4-2023 đến tháng 6 năm nay, nhiệt độ bề mặt trung bình hàng tháng của các đại dương trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục (theo dữ liệu ghi nhận từ năm 1979). Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong hệ thống Trái đất do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trước bão Yagi, vào cuối tháng 7-2024, cơn bão Gaemi với sức gió tới 233 km/giờ đổ bộ vào Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy nhiều công trình xây dựng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của nhóm WWA - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới - cho rằng sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch “đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn”. Theo vị chuyên gia này, khu vực sẽ chứng kiến nhiều cơn bão tàn khốc hơn như bão Gaemi khi khí hậu ấm lên và châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Bão Yagi tàn phá nặng nề tại Việt Nam cũng như Philippines và Trung Quốc khi siêu bão này quét qua

Bão Yagi tàn phá nặng nề tại Việt Nam cũng như Philippines và Trung Quốc khi siêu bão này quét qua

Chung tay hành động quyết liệt, mạnh mẽ

Thực ra, cảnh báo của vị chuyên gia của tổ chức WWA không phải là điều gì mới mẻ, đó là đánh giá lâu nay của giới chuyên môn cũng như các quốc gia và tổ chức quốc tế. Giáo sư Tsuboki Kazuhisa thuộc trường Đại học quốc gia Nagoya và Yokohama của Nhật Bản - chuyên gia đã phân tích đường đi của các siêu bão từ năm 1980 đến năm 2023 - cho biết, rất hiếm khi một cơn bão mạnh như Yagi đi qua Biển Đông và nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn bình thường, hiện ở mức khoảng 30 độ C, là một lý do để giải thích hiện tượng này.

Theo các nhà khoa học, các cơn bão đang trở nên mạnh hơn, được thúc đẩy bởi các đại dương ấm hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra. Yagi không phải cơn bão duy nhất đánh vào đất liền và gây chú ý trong thời gian gần đây. Hồi tuần trước, cơn bão Shanshan đã tấn công vào phía Tây Nam Nhật Bản gây ra nhiều thiệt hại. Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công đảo quốc này trong nhiều thập kỷ.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng khí hậu có thể đang khiến bão ngày một mạnh hơn. Bão, hay còn gọi là xoáy thuận là hiện tượng thời tiết khá phổ biến. Trong những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu quan sát thấy cường độ của chúng đã tăng đáng kể. Mối liên hệ giữa cường độ bão mạnh với những hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra đã được chứng minh.

Nguyên nhân chủ yếu nhất là do đại dương đang ấm lên. Khi bề mặt đại dương ấm lên, không khí phía trên cũng ấm lên, khiến nước được đưa lên cao để tạo thành mây. Cùng lúc đó, vùng áp suất thấp bên dưới “bị bỏ trống” khiến nhiều không khí hơn tràn vào. Khi các hệ thống này tích tụ, giông bão được hình thành. Trong trường hợp không có gió mạnh phá vỡ nó, hệ thống sẽ mạnh lên thành bão.

Chuyên gia Wei Mei thuộc Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) cho biết, mức độ mạnh và tốc độ phát triển của một cơn bão phụ thuộc vào hai yếu tố đại dương: nhiệt độ bề mặt biển trước khi có bão và sự chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt và dưới bề mặt. Bề mặt biển ấm hơn thường cung cấp nhiều năng lượng hơn cho sự phát triển của bão và do đó tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn về nhiệt độ từ bề mặt xuống dưới bề mặt có thể làm gián đoạn dòng năng lượng này, vì gió mạnh gây ra nhiễu loạn ở tầng đại dương phía trên, đưa nước lạnh từ bên dưới lên và do đó làm mát bề mặt biển.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả trong kịch bản Trái đất ấm lên vừa phải (kịch bản xảy ra khi thế giới có thể thực sự cắt giảm khí thải nhà kính) thì cường độ bão trung bình vẫn sẽ tăng thêm 14% vào năm 2100. Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng nhanh, bão sẽ còn mạnh hơn nữa.

Trước nguy cơ thảm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán diễn biến ngày càng bất thường, phức tạp, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã thông qua Công ước khung về biến đổi khí hậu với sự tham gia ký kết của 154 quốc gia, cam kết ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và đặt ra mục tiêu đến trước năm 2000 phải giảm khí thải của các nước công nghiệp phát triển trở về mức năm 1990. Nếu thế giới, trong đó có các quốc gia trong khu vực, không có quyết sách mạnh mẽ và trách nhiệm, chung tay đẩy lùi những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra, chắc chắn sẽ phải gánh chịu thiệt hại nhiều hơn từ sức công phá khủng khiếp của những siêu bão như siêu bão Yagi trong tương lai.