Khủng hoảng E.coli

(ANTĐ) - Liên minh châu Âu (EU) đang lâm vào một cuộc khủng hoảng hiếm có từ trước tới nay. Đó là cuộc khủng hoảng dịch bệnh E.coli gây nhiễm trùng đường ruột.

Khủng hoảng E.coli

(ANTĐ) - Liên minh châu Âu (EU) đang lâm vào một cuộc khủng hoảng hiếm có từ trước tới nay. Đó là cuộc khủng hoảng dịch bệnh E.coli gây nhiễm trùng đường ruột.

Sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hamburg của Đức ngày 2-5, bệnh dịch E.coli như một cơn lốc dữ dội lan nhanh ra nhiều quốc gia EU. Tính tới nay, dịch bệnh E.coli đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người, hơn 2.400 người ở gần chục nước phải vào bệnh viện cấp cứu.

Đáng báo động là sau hơn một tháng hoành hành, dịch bệnh E.coli vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Bởi điều quan trọng nhất là giới chức y tế của các quốc gia có nền y học hiện đại như EU cho đến nay vẫn chưa thể xác định được đâu là nguồn bệnh dịch E.coli hiện nay.

Rau quả các nước thành viên EU điêu đứng vì dịch bệnh E.coli
Rau quả các nước thành viên EU điêu đứng vì dịch bệnh E.coli

Thoạt tiên, Đức “đổ tội” cho dưa chuột nhập từ Tây Ban Nha. Thế nhưng, những xét nghiệm sau đó cho thấy dưa chuột Tây Ban Nha không phải là yếu tố gây bệnh và tương tự như vậy với giá đỗ làm ra ở miền Bắc nước Đức cũng không phải nguồn lây nhiễm khuẩn E.coli.

Trong khi “ổ bệnh” E.coli vẫn còn mờ mịt thì những thiệt hại mà dịch bệnh này gây ra cho EU đang gia tăng nhanh chóng. Theo Hiệp hội sản phẩm tươi châu Âu, lượng giao dịch rau củ quả ở châu Âu trị giá khoảng 2,5 tỷ euro mỗi tuần đã tê liệt nghiêm trọng kể từ khi dịch bệnh E.coli bùng phát.

Thiệt hại nặng nề nhất là Tây Ban Nha với giá trị lên tới 200 triệu euro mỗi tuần vì không bán được rau quả sau khi bị Đức “tố” dưa chuột của nước này là nguồn lây bệnh. Tây Ban Nha đang tính kiện Đức vì đã thông tin sai lệch khiến nông nghiệp nước này bị thiệt hại nặng nề.

Nông dân nhiều quốc gia EU khác cũng đang méo mặt vì dịch bệnh E.coli. Trong đó những nước bị thiệt hại nhiều là Hà Lan 80 triệu euro, Đức 20 triệu euro, Bỉ 4 triệu euro, Bồ Đào Nha 3 triệu euro... mỗi tuần. Đó là chưa tính tới thiệt hại về y tế khi phải chạy chữa cho hàng nghìn người nhiễm khuẩn E.coli.

Lo ngại dịch bệnh truyền nhiễm tại EU, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm hoặc kiểm soát ngặt nghèo rau củ quả nhập từ EU. Vì thế, nếu không sớm tìm ra nguồn lây bệnh cũng như dập tắt dịch bệnh E.coli thì thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn với EU.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Y tế các nước thành viên EU đã phải nhóm họp khẩn cấp ngày 7-6 để thảo luận việc đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh E.coli. Bên cạnh việc cảnh báo Đức đã vội vàng đưa ra những kết luận không chính xác về nguồn lây nhiễm dịch, các bộ trưởng EU cũng quyết định bồi thường ở mức 30% giá bán sản phẩm cho các chủ nông trại thuộc thành viên EU có trái cây và rau cải phải thu hồi.

Song do nguồn lây bệnh E.coli vẫn là bí ẩn nên cuộc khủng hoảng dịch bệnh này vẫn chưa thể sớm chấm dứt tại EU.                    

HOÀNG TUẤN