Khủng bố - hiểm họa khó lường

ANTĐ - Vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến gần 300 người thương vong một lần nữa cảnh báo cả thế giới rằng những kẻ khủng bố có thể gây họa ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc IS là thủ phạm của vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại sân bay quốc tế lớn nhất nước này 

Cả thế giới lại bàng hoàng, chấn động trước vụ đánh bom liều chết nhằm vào Ataturk, sân bay quốc tế chính của thành phố Istanbul lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, làm ít nhất 41 người thiệt mạng và 239 người khác bị thương vào đêm 28-6 giờ địa phương (tức rạng sáng 29-6 theo giờ Việt Nam). Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim sau đó tuyên bố, kết quả điều tra ban đầu cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể liên quan đến vụ tấn công đẫm máu này.

Cách thức tiến hành vụ tấn công khủng bố vào sân bay Ataturk lớn thứ 11 trên thế giới với lượng hành khách gần 62 triệu người mỗi năm tương tự như vụ khủng bố xảy ra tại sân bay Zaventem ở Thủ đô Brussels của Bỉ làm 14 người thiệt mạng và 35 người bị thương hồi cuối tháng 3 vừa qua. Thủ phạm của vụ tấn công khủng bố làm chấn động châu Âu và thế giới cũng là các phần tử cực đoan thuộc IS.

Được xem là “trạm trung chuyển” của các phần tử cực đoan, khủng bố từ châu Âu sang các “chiến trường” ở Trung Đông như Iraq, Syria… và ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã luôn cảnh giác trước các âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, dù đề phòng và tăng cường an ninh tối đa, song quốc gia nửa Âu nửa Á này vẫn trở thành mục tiêu của không ít các vụ khủng bố, trong đó đã xảy ra tới hàng chục vụ chỉ trong 2 năm qua khiến hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương.

Vụ tấn công đẫm máu vào mục tiêu mang tính biểu tượng cao như sân bay quốc tế Ataturk lại khiến thế giới, đặc biệt là châu Âu, lo ngại về hiểm họa khủng bố trong bối cảnh liên tục nhận được các cảnh báo về nguy cơ này như tấn công khủng bố trong dịp diễn ra Vòng chung kết vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016) ở Pháp. Khó có quốc gia nào, nơi nào trên thế giới có thể khẳng định tuyệt đối an toàn trước nguy cơ khủng bố.

Hiểm họa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy, bùng phát từ sự kiện khủng bố chấn động vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Cũng kể từ đó đến nay, không chỉ nước Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế đã phải lao vào cuộc chiến cam go chống khủng bố. 

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của từng quốc gia cũng như nỗ lực chung của cả thế giới, khủng bố vẫn gieo rắc những nỗi kinh hoàng, những vụ tấn công đẫm máu từ châu Âu sang châu Á, từ châu Mỹ tới châu Phi. Khi “mạng lưới khủng bố số 1 toàn cầu” Al Qaeda vừa có dấu hiệu suy yếu thì nổi lên tổ chức IS tự xưng từ “mảnh đất xung đột màu mỡ” ở Trung Đông.

Al Qaeda và tới đây IS có thể suy yếu, song đáng lo ngại là tư tưởng Hồi giáo cực đoan ngày càng trở nên nguy hiểm, len lỏi, thấm sâu và sinh sôi nảy nở tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở ngay trong lòng các quốc gia châu Âu và Mỹ. Đây chính là những mầm mống rất đáng lo ngại, có thể hình thành những “quả độc” khủng bố mà khó có quốc gia, cơ quan ninh và tình báo nào có thể lường trước và ngăn chặn hữu hiệu.

Những kẻ cực đoan, khủng bố có thể tổ chức để gây ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu như tại Ataturk của Thổ Nhĩ Kỳ, sân bay Zaventem của Bỉ hay Thủ đô Paris của Pháp… nhưng cũng có thể chỉ là một “con sói đơn độc” như trong vụ khủng bố chấn động vào một hộp đêm ở thành phố Orlando của Mỹ. Hiểm họa khủng bố khó lường, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn nỗi ám ảnh mang khuôn mặt đẫm máu này.