Khủng bố chiêu mộ tân binh qua các tổ chức buôn người

ANTD.VN - Quilliam - Quỹ nghiên cứu về các nhóm khủng bố cực đoan cho biết, người tị nạn trẻ được các nhóm phiến quân cung cấp tiền và thực phẩm nhằm “cực đoan hóa”. 

Kết quả nghiên cứu mới được công bố của Quilliam cũng chỉ ra rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Boko Haram cũng trả tiền cho các tổ chức buôn người để chiêu mộ tân binh mới từ các trại tị nạn. 

Khủng bố chiêu mộ tân binh qua các tổ chức buôn người ảnh 1Trẻ em tị nạn Syria tại một trại tị nạn gần Taalabaya ở Lebanon

Kẻ môi giới nhận 2.000 USD/tân binh 

Quilliam cho biết, theo thống kê của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), khoảng 88.300 trẻ em di cư không có người lớn đi kèm bị mất tích trong thời gian qua. Nhiều trẻ em có nguy cơ trở thành phần tử cực đoan. Các nhóm thánh chiến, bao gồm IS và Boko Haram đã cố gắng tuyển mộ tân binh trong các trại tị nạn bằng cách mua chuộc bằng tiền hoặc “bắt tay” với những đường dây buôn người. 

Theo Quilliam, IS đã chi khoản tiền lên đến 2.000 USD/người để chiêu mộ tân binh trong các trại tị nạn ở Lebanon và Jordan. Năm ngoái, lực lượng đặc biệt của Jordan báo cáo đã phát hiện một “trung tâm” IS trong trại tị nạn gần Irbid, phía bắc Jordan. IS tìm cách lôi kéo người tị nạn tham gia tổ chức thánh chiến bằng cách cho tiền và thực phẩm. Chúng hứa hẹn về cuộc sống “rủng rỉnh” tiền bạc nếu đồng ý tham gia vào IS.

Các nhà nghiên cứu của Quilliam cũng đã xác định một số “điểm nóng” - nơi những người tị nạn, đặc biệt là người trẻ dễ bị tổn thương và lôi kéo tham gia vào các tổ chức cực đoan. Một trong những địa điểm đó là khu vực bờ biển Bắc Phi, tại đây, IS hứa cung cấp 800 bảng Anh cho bất cứ ai tham gia. Một điểm nóng khác là thị trấn ở Qatrun, nằm phía Nam Libya. Báo cáo của Quilliam xác định, có từ 4.000 đến 6.000 chiến binh IS đang hoạt động trong khu vực này. Nếu người tị nạn ở đây đồng ý tham gia IS sẽ được nhận khoản tiền là 450 bảng Anh. 

Mục tiêu là những người tị nạn trẻ

Nikita Malik, một nhà nghiên cứu cao cấp của Quilliam cho biết: “Những người tị nạn trẻ là mục tiêu hàng đầu của các nhóm cực đoan. Các tổ chức cực đoan cho rằng, những người trẻ dễ bị “nhồi sọ”, nam giới sẽ là chiến binh thánh chiến “tiềm năng” còn nữ giới có thể giúp chúng tạo ra một thế hệ chiến binh mới. Báo cáo của chúng tôi đặt ra yêu cầu cấp bách phải ngăn chặn nguy cơ trẻ em di cư bị buôn bán, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và chế độ nô lệ hiện đại”. 

Chuyên gia Malik cho biết thêm, trong các tài liệu tuyên truyền, các nhóm thánh chiến nhắm mục tiêu rất rõ vào người tị nạn. Khảo sát tài liệu tuyên truyền trực tuyến của IS, Taliban, al-Qaeda, al-Shabaab ở Somalia và Boko Haram ở Nigeria trong khoảng thời gian từ 13-6-2016 đến 8-1-2017 cho thấy, 53% tài liệu kêu gọi người tị nạn tham gia thánh chiến, 32,1% tài liệu đề cập đến những vấn đề gây “bất bình, tiêu cực” hoặc kích động bạo lực… 

“Trẻ vị thành niên di cư không có người lớn đi cùng phải đối mặt với hàng loạt yếu tố có thể dẫn đến cực đoan ngay cả khi đã được nhập cư vào các quốc gia châu Âu. Nếu các lỗ hổng liên quan đến người nhập cư như tạo điều kiện hội nhập, dân chủ, sắc tộc, sức khỏe, việc làm… không được cải thiện thì nguy cơ cực đoan hóa trong thế hệ  trẻ là rất cao”, Malik nhận định. 

Chuyên gia Malik nói thêm, trong số các thiếu sót được xác định ở Anh có thể dẫn đến tình trạng “cực đoan hóa” trong thanh thiếu niên nhập cư là chính sách giam giữ. Theo Quilliam, hàng nghìn người bị giam giữ tại các trung tâm di trú tự sát trong năm 2015, trong đó có cả trẻ em. Mặc dù Bộ Nội vụ Anh và Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia đã đưa ra khuyến cáo “tránh việc giam giữ trẻ em” nhưng có đến 853 trẻ em di cư bị giam giữ từ năm 2010 đến năm 2015.