Khúc tráng ca trên đường tới Điện Biên

ANTĐ - Đã trải qua 60 mùa hoa ban nở, song trong tâm trí thế hệ hôm nay vẫn mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người con anh dũng hy sinh để làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Đường kéo pháo xưa chạy song song đường mới ngay nay

“Nơi hoa ban nở thành người con gái Thái”

“Con đèo này nguy hiểm lắm. Nơi tôi đứng có thể chạm tay được vào mây, người Thái chúng tôi gọi là nơi gặp nhau giữa trời và đất” – chị Lò Thị Loan, người sống trên đỉnh đèo Pha Đin thuộc xã Phùng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La cười hồn hậu khi chúng tôi hỏi về con đèo huyền thoại. Đèo Pha Đin hôm nay hoa ban vẫn nở trắng trời như thuở những chàng lính trẻ hái tặng các nữ thanh niên xung phong khi hành quân phục vụ chiến dịch Điện Biên. Trong câu chuyện chúng tôi hỏi người phụ nữ Thái về lịch sử của con đèo, chị chất phác bảo chẳng biết nhiều, chỉ thấy trên tấm bia ghi đèo Pha Đin dài 32km, ngày xưa bộ đội với dân quân phải rất vất vả vượt qua khi mang vũ khí, gạo vào Điện Biên đánh giặc... Giờ những nơi ấy, những cung đường Tây Bắc, thảm hoa ban đang dịp sung mãn, hương sắc loài hoa của đại ngàn hóa thân vào hồn đất Điện Biên như hòa vào niềm vui của tháng ngày lịch sử trọng đại.

“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”

Khí phách của một thời xung trận cách đây 60 năm giờ vẫn nguyên giá trị trong lòng những người vào sinh ra tử, nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. “Trong cả 1 năm ròng rã, chị em chúng tôi chỉ có gánh gạo phục vụ bộ đội vượt rừng. Lúc ấy, đèo Pha Đin là nỗi khó khăn của cả cánh đàn ông chứ không riêng gì phụ nữ. Đoàn xe đạp thồ gạo từ dưới xuôi lên Điện Biên đến con đèo phải hạ xuống để chia ra gánh từng phần một, để đi cho thật nhanh tránh bom đạn đánh phá, đồng thời cho nhẹ bớt mới vượt qua được con dốc đứng này”, bà Mai Thị Thạch 81 tuổi, ở tổ dân phố số 3, phường Tân Thanh, TP Điện Biên nhớ lại. Quê hương cách mạng Nga Sơn, Thanh Hóa hun đúc nên người con gái vùng cói vào tuổi 17 xung phong đi hỏa tuyến, “cơm vắt ở rừng” gánh gạo cho bộ đội đánh trận Điện Biên. Những nỗi khổ biến thành lời ca tiếng hát. “Đèo Pha Đin lúc đó sừng sững như vách núi, sương luôn phủ mờ mịt. Đoàn chúng tôi gánh gạo dài dằng dặc mà chỉ nhỉn thấy vài người phía trước. Vừa đi vừa hát át tiếng đạn bom ”- bà Thạch hồi tưởng. Con đường từ Yên Bái đến Điện Biên khi ấy được Trung ương chọn làm tuyến vận chuyển lương thực, đạn dược... Tất cả tập kết ở Yên Bái sẽ thuận tiện hơn khi vượt qua Bắc Yên của Sơn La để đến Điện Biên. “Lúc đầu cánh thanh niên xung phong chúng tôi vận tải ở đoạn đèo Chiềng Đông còn có suối để lấy nước, bận sau đến đèo Pha Đin trên cao quá, khe, suối rừng rậm chẳng biết nước ở đâu thế là chị em có sáng kiến đi phạt những thân cây nứa già bên đường để ngửa hứng sương trời từ tối đến sáng sương đọng lại cũng đủ uống”, bà Thạch kể. 

Bộ đội và thanh niên xung phong chinh phục con đường Pha Đin
vào trận địa Điện Biên Phủ bằng xe thồ

Những con đường của tuổi 20

Từ những con đường lên Tây Bắc, dòng người ra trận như đi trảy hội. Và sau 60 năm hoa ban vẫn nở trắng trên cung đường phủ đầy đôi vai bé bỏng của cô gái từng gánh gồng trĩu nặng lương thực và đạn dược cho chiến dịch  Điện Biên. “Đó là những ngày ý nghĩa nhất của chúng tôi. Cứ mỗi khi gặp đoàn bộ đội qua chị em chúng tôi lại cất tiếng hát “Này anh em ơi tiến lên đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng nhau ra đi sá gì thân sống”, bà Cầm Thị Dực 84 tuổi, ở tổ dân phố 15, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ hào hứng kể lại.  Người con gái Thái Cầm Thị Dực quê ở Mường Chanh, Sơn La, vinh dự được tham gia vào đại đội 290 thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bà nhớ lại: “Tôi chứng kiến dọc đường 41 từ Mộc Châu ngã ba Tuần Giáo, Lai Châu lúc bấy giờ quân địch bắn phá rất ghê nhưng chỗ nào cũng là trận địa của thanh niên xung phong. Điểm bị địch tập trung thả bom nhiều nhất là Cầu Tà Vài ở huyện Yên Châu cho đến Ngã ba Cò Nòi huyện Mai Sơn và đặc biệt Đèo Pha Đin huyện Thuận Châu thì kinh khủng lắm. Mình gánh đi ở đây thì bom ném ngay cạnh đất đá bắn tung trời”. Khi ấy, những con đường về Điện Biên đều bị quân viễn chinh Pháp phá hoại dữ dội. Tướng Na Va cho rằng việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ là một vấn đề sống còn của quân đội Viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Âm mưu của kẻ địch là dùng vũ khí tối tân hòng làm sờn  ý chí những con người dũng cảm trên đất nước Việt Nam đã thất bại. Chỉ bằng những đôi chân trần băng rừng vượt núi của những người phụ nữ đảm đang mà giàu lòng yêu nước cũng đủ làm cho kẻ thù không trở tay kịp.

Hoa ban nở trắng đỉnh đèo Pha Đin

“Tôi vào chiến trường Điện Biên Phủ được bộ đội dạy mấy từ bằng tiếng Pháp “Hô lơ manh” dịch ra tiếng mình đại loại là giơ tay lên. Thế nhưng một lần tôi đang đào hầm hàm ếch thì nhìn thấy tên lính mũi lõ bỏ chạy, tôi liền nhào ra cầm cái xẻng hô to “manh, manh” vì quên mất hai chữ đầu. Vậy nhưng chắc do quát to, tên lính tây hoảng sợ giơ tay lên đầu hàng, lúc ấy đồng đội tôi đã kịp có mặt bắt sống tên này”- bà Vũ Thị Tăng, 80 tuổi ở tổ 25, phường Mường Thanh, TP Điện Biên nhớ lại. Để được tham gia chiến dịch Điện Biên, bà Tăng đã cùng đoàn dân quân hỏa tuyến hành quân bộ từ Thanh Hóa lên Điện Biên. Vào chiến trường bà Tăng đã sáng kiến bó gấu chiếc quần ống rộng của mình làm “phương tiện” mang đất từ hầm ra xa tránh sự phát hiện của địch. 

Con đèo huyền thoại Pha Đin hôm nay đã được hạ thấp độ hiểm nguy bằng con đường tránh mới. Xe cộ đã dễ dàng về Điện Biên mà không cần qua đỉnh cao Pha Đin huyền thoại nữa. Nhưng đó vẫn là con đường của ý chí, của một thời ra trận khiến cả thế giới phải nể phục.