Khúc tráng ca Lý Sơn: Tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa

ANTĐ - Tàu cập bến Lý Sơn vừa lúc mặt trời ló rạng, những tia nắng đầu tiên thong thả buông trên mặt biển xanh thẫm một màu. Gió nồm trằn qua từng đợt sóng như reo vui trên những lá cờ. Ông Võ Chú, người mấy chục năm thổi ốc u trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa bảo, tiếng cờ bay phần phật ấy là hồn của những hùng binh Hoàng Sa thủơ nào, nương theo gió mà về…

Khúc tráng ca Lý Sơn: Tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 1
Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn


Nhớ đội hùng binh 

Cù Lao Ré là tên nôm của đảo Lý Sơn. Sở dĩ dân gian gọi như vậy là vì trên đảo có nhiều cây ré. Rộng chưa đầy 10km2, Lý Sơn được hình thành bởi 5 ngọn núi lửa đã ngừng phun trào cách đây cả triệu năm là Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi và Hòn Vung. Trên các ngọn núi này, cho đến nay vẫn còn lưu giữ dấu tích của người tiền sử, cách đây 30 vạn năm. Qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều hiện vật quý giá của nhóm cư dân thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay từ 2.000 đến 2.500 năm tại các di chỉ Xóm Ốc, Suối Chinh. Qua cả nghìn năm hình thành và phát triển, Lý Sơn đã trở thành một bảo tàng sống động về các nền văn hóa khác nhau, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi, các di tích cổ xưa quần tụ dày đặc trên đảo là những minh chứng cho điều đó. Huyện đảo Lý Sơn hiện có 3 xã An Hải, An Vĩnh và An Bình (đảo Bé) với dân số hơn 20 nghìn người, sống chủ yếu dọc phía bờ Tây của đảo lớn. Bao đời nay, nghề chính của cư dân trên đảo vẫn là đánh bắt hải sản trong lộng ngoài khơi, đặc biệt Lý Sơn còn nổi tiếng với nghề trồng hành tỏi. 

Người dân Lý Sơn hôm nay còn tự hào về đội hùng binh, những người mà mấy trăm năm trước trên những con thuyền mỏng mảnh, vượt sóng ra khơi, đo đạc thủy trình, thu gom sản vật, cắm mốc, xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, sau này cả Bắc Hải (Trường Sa và các đảo khác). Lần giở những trang lịch sử như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn lẫn “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn hay “Hoàng Việt dư địa chí” của Phan Huy Chú thì cách đây 3, 4 thế kỷ, các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức được nguồn tài nguyên biển vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, trước hết  là tại quần đảo Hoàng Sa.

Ông Võ Chú - thôn Đông, xã An Vĩnh kể, từ khi còn nhỏ, ông đã được ông nội mình kể cho nghe nhiều câu chuyện xúc động về đội hùng binh năm xưa. Phàm là người dân đảo, không có ai là không nằm lòng câu chuyện về những người con ưu tú ấy, trong lời ru à ơi của những người phụ nữ trên đảo Lý Sơn, những người hàng ngày tay bồng con, mắt dõi ra biển ngóng tin chồng, còn có câu ca buồn da diết: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. 

Hàng năm, các chúa Nguyễn đều cho tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh, An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ rồi sau này là dân đinh ở phương An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm, vượt sóng ra Hoàng Sa. Cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch thì nhận lệnh đi, đến tháng 8 thuyền về cửa Thuận An. 70 định suất đó được phân đều cho các tộc họ, không phân định tiền hiền hay hậu hiền, người đăng lính luôn là con thứ, vì con trưởng còn phải ở nhà lo tế tự. Đội Hoàng Sa được thành lập chính thức từ năm nào sử sách không ghi rõ, chỉ bắt đầu vào “đầu bản triều” hay “hồi đầu dựng nước” (của chúa Nguyễn Đàng Trong), có nghĩa sớm nhất là vào cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ XVII. Mỗi năm một lần, cư dân đảo Lý Sơn tiễn đoàn hùng binh ra đi, hoạt động liên tục suốt 3-4 thế kỷ, tính ra đã có cả vạn người vượt qua mênh mông sóng nước, qua bão tố phong ba để xác lập chủ quyền trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khúc tráng ca Lý Sơn: Tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 2
Thả thuyền trong lễ Khao lề thế lính

Minh chứng quá khứ bi hùng 

Cả vạn người vượt sóng trùng khơi ra đi, ngoài nghĩa vua - tôi tận trung kiểu “quân xử thần tử thần bất tử bất trung”, trong tâm tư của đoàn hùng binh thủơ ấy còn mang nặng tình yêu đất nước, chủ quyền biển đảo quốc gia. Trước khi lên đường, họ được trang bị mỗi người một đôi chiếu, 7 thanh tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài có ghi tên tuổi, phiên hiệu, bản quán để chẳng may vắn số những thứ đó thay áo quan, bó xác với hy vọng khi thả xuống biển thây sẽ trôi về đất liền, gặp người vớt lên chôn cất và báo tin cho gia đình dòng tộc. Hy vọng là thế, nhưng xưa nay có được mấy người thân xác “hoàn cố thổ”… Và để tri ân những người lính của hải đội Hoàng Sa (sau này phát triển thành thủy quân Hoàng Sa kiêm quản cả Trường Sa và Bắc Hải) người Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính. Thời gian diễn ra Lễ khao lề thế trùng vào khoảng thời gian trong năm đoàn hùng binh xưa vượt sóng ra khơi, quãng độ tháng 2-3 âm lịch. Trên ban thờ cao bày bộ ngũ sự, vàng mã và linh vị đề rõ tên tuổi từng người, có bao nhiêu người lính trong dòng họ thì có bấy nhiêu linh vị, kế đó là lễ vật hương hoa nải quả và quan trọng nhất trong lễ tế là những chiếc thuyền thế với đầy đủ hình nhân, sổ thông hành cùng nhu yếu phẩm cần thiết cho một chuyến đi biển. Lời văn tế cất lên trầm buồn, không gian Lễ khao lề thế lặng đi, chủ tế xướng tên những người chỉ huy hải đội nào là Phạm Quang Ảnh, Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Cai đội Võ Văn Khiết… Rồi tiếp đó, giọng thầy phù thủy sang sảng, tay cầm ấn, tay bắt quyết, áo thụng, mũ tam sơn, chân bước bát quái lẫn vào tiếng mõ đanh và đầy huyền bí.

Khi lễ tế vừa dứt, thanh niên trai tráng trong làng khiêng thuyền tế ra bến thả trôi trên biển. Những chiếc thuyền bằng bọt xốp chao đảo trên sóng rồi chầm chậm ra khơi. Tiếng ốc u thi thoảng cất lên u…u…u từng hồi dài ngắn, buồn đến não lòng. “Ốc u đã thổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”, ông Nguyễn Câu, một người dân trên đảo giải thích, xưa khi làm lễ tiễn đoàn hùng binh lên đường đi giữ đảo, lúc ốc u thổi dồn dập là lúc đoàn binh phu phải xuống thuyền. Loài ốc u này chỉ sống ở duy nhất khu vực quanh đảo  Lý Sơn, trong tiếng sóng to gió lớn, chỉ có tiếng ốc u khi thổi lên là không lẫn vào đâu được.

(Còn nữa)