Khúc tráng ca Lý Sơn: Mộ gió và nghề nặn hình nhân

ANTĐ - Trên đảo Lý Sơn có cả nghìn ngôi mộ mà phía dưới không có di cốt. Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo hình thành khoảng 200 năm trước. Ngôi đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 24 người lính thuộc hải đội Hoàng Sa.

Khúc tráng ca Lý Sơn: Mộ gió và nghề nặn hình nhân ảnh 1
Anh Võ Văn Nhành tiếp nối nghề của cha- ông Võ Văn Toại nặn hình nhân mộ gió

Mộ chiêu hồn trên đảo

Gia phả dòng họ Phạm Quang ở Lý Sơn ghi lại rằng, 200 năm trước, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính ra khơi trên 5 chiếc thuyền để đo đạc thủy trình. Rồi trong một lần ra khơi, gặp bão biển, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội đã mãi mãi không trở về. Ngày đó, vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các hùng binh. Trong đoàn của triều đình có một thầy phù thủy, ông sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét, đưa vào cối giã cho thật nhuyễn rồi lấy đất đó nặn thành 25 hình người. Nặn xong, ông lập đàn cúng, gọi hồn về nhập tượng rồi mặc cho tượng áo dài khăn xếp, cũng trong quan ngoài quách và đem an táng theo nghi thức thông thường đối với một người chết. Kể từ đó, phong tục tồn tại đời này sang đời khác và vẫn được giữ gìn cho tới hôm nay. Ngôi mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh trước đây nằm gần bờ biển, nay với sự lấn biển của cư dân trên đảo, thành ra mộ giờ nằm cách bờ biển cả một quãng xa.

Dẫn tôi tới thăm nơi linh hồn của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng các binh phu an nghỉ, anh Nguyễn Văn Trung - một cán bộ thuộc Ban Quản lý Dự án - Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết, xưa mộ chỉ được đắp bằng cát, gió trên đảo vốn hung dữ, lại thêm sự bào mòn của thời gian, nhiều ngôi mộ đã dần mất dấu. Chính vì thế, thời gian qua, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã đầu tư tu bổ tôn tạo, cắt cử người coi sóc phần mộ thường xuyên. Đó không chỉ là để tri ân những con người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì toàn vẹn chủ quyền biển đảo mà đây còn là một di tích để thế hệ hôm nay và mai sau tự hào về lớp cha ông đi trước. 

Thật may, khi chúng tôi đến Lý Sơn cũng đúng vào dịp khánh thành tu bổ tôn tạo phần mộ của Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, ngôi mộ này nằm cách mộ của Phạm Quang Ảnh không xa, ngay trong quần thể di tích chủ quyền Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ông Phạm Đa, Trưởng tộc họ Phạm cho biết, Phạm Hữu Nhật tên thật là  Phạm Văn Triều, thuộc thế hệ thứ 4 của dòng họ Phạm Văn ở huyện đảo này. Mùa xuân năm Bính Thân 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, Phạm Hữu Nhật dẫn theo thuyền binh ra Hoàng Sa dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Theo những gì còn ghi lại trong gia phả của dòng họ Phạm Văn thì mỗi binh thuyền đem theo 10 cái thẻ bài gỗ, mỗi thẻ bài dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính  Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự (nghĩa là Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ). Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật đều dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi dong thuyền về thẳng Kinh thành Huế. Các chuyến đi của Phạm Hữu Nhật kéo dài suốt 18 năm, năm 1854 cả hải đội mất tích trên biển, triều đình và dòng tộc tiếc thương lập mộ gió cho ông tại thôn Đông, làng An Vĩnh.

Khúc tráng ca Lý Sơn: Mộ gió và nghề nặn hình nhân ảnh 2
Mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh và các binh phu

Nghề nặn “hình nhân thế mạng”

Sau lễ tế và lập mộ gió cho cai đội Phạm Quang Ảnh của triều đình nhà Nguyễn từ 200 năm về trước, từ đó trở đi, trên đảo Lý Sơn hình thành nghề nặn hình nhân đất sét để an táng thay cho di cốt trong các ngôi mộ gió. Trên dải đất hình chữ S có cả vạn làng chài, nhưng không đâu có cái nghề lạ lẫm này. Theo chỉ dẫn của người dân trên đảo, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông Võ Văn Toại - gia đình đã có 6 đời nối nhau nghề nặn tượng. Trước thời ông Toại, trên đảo cũng có mấy người có khả năng nặn hình nhân, nhưng khi họ về già, không có ai nối nghiệp. Ngoài 80 tuổi, ông Toại giờ mắt đã mờ, tay đã run, trí nhớ không còn được minh mẫn như xưa nhưng cũng may, ông đã truyền nghề được cho con trai là anh Võ Văn Nhành. 45 tuổi, anh Nhành có thâm niên 30 năm nối nghiệp cha. 15 tuổi, anh đã theo cha ngược núi Giếng Tiền, lấy đất sét về nặn, mỗi khi trong làng có người ra khơi mà không trở về, mọi công đoạn của việc nặn đều được thực hiện cẩn trọng và thành kính, tuyệt đối không được qua quýt.  Nói nghe có vẻ đơn giản, nhưng để làm được nghề này buộc người nặn tượng phải thông thạo nhân tướng học, rành rẽ 3 tiêu chí về sắc (khuôn mặt) oai (phong cách) và tướng (tướng mạo). 

Trước khi nặn, đất sét bao giờ cũng phải được giã nhuyễn, trộn đất với lòng đỏ trứng gà để nặn thành tim, với quả cây bông gòn để làm da thịt. Cành cây dâu tằm đặt vào thân tượng đất thay cho xương, bởi loại cây này là hiện thân của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất, đàn ông thì 7 nhánh xương sườn, đàn bà thì 9 nhánh, tro cây sầu đâu đốt thành than, thay cho ruột gan, mỗi hình nhân sau khi hoàn thành có kích thước chừng vài chục centimet.  Rồi hình nhân ấy được mang ra bờ biển, đúng nơi con tàu đã từng ra khơi, cùng với hương hoa vật phẩm, thắp 3 nén hương lên… Người dân trên đảo Lý Sơn tin rằng, khi đó, hồn của những người xấu số sẽ theo đó mà về, nhập vào tượng, an nghỉ và phù hộ cho người thân trong gia đình. Sau lễ cúng, tượng đất được mang đi chôn. Ngày làm lễ chiêu hồn cũng được lấy làm ngày giỗ. Với khí hậu mưa ít, nắng nhiều, tượng đất trong các mộ gió ở Lý Sơn được bảo vệ khá tốt. Bằng chứng là, trong một vài lần cải táng, di chuyển mộ đến nơi khác, dù ngôi mộ ấy tồn tại đến cả trăm năm, khi đào lên tượng đất vẫn nguyên vẹn.

Anh  Nhành kể, nghề nặn tượng của anh cũng chỉ là làm phúc, mỗi lần gia đình nào có việc cậy nhờ anh giúp,  tùy tâm họ, trả bao nhiêu cũng được. Người dân trên đảo nhỏ, lâu nay vẫn sống với nhau nghĩa tình như thế. Trên đảo Lý Sơn giờ có cả nghìn ngôi mộ gió, cũ có mới có. Thông thường, bặt tin thuyền từ 1-3 tháng là gia đình đã lo lập mộ chiêu hồn. Giờ anh Nhành không thể nhớ nổi, từ khi mới vào nghề, anh đã nặn được bao nhiêu hình nhân. Nghĩ một lúc anh bảo, chắc độ vài trăm, có lần anh cùng cha mình ông Võ Văn Toại nặn một lúc gần chục hình nhân cho một gia đình bên làng An Vĩnh.

Ở Lý Sơn có rất nhiều bụi dâu tằm, dù cư dân nơi này không ươm tơ và dệt lụa. Cây dâu tằm ở đây đảm nhận một sứ mệnh thiêng liêng khác, dùng làm xương cốt cho hình nhân trong các ngôi mộ gió. Họ gọi cây dâu là “cây thiêng” là vì thế. Đi khắp đảo, cứ nhìn vào những bụi dâu là lại thấy đắng lòng.

(Còn nữa)