Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (Tháng 12-1972/12-2017)

Khúc tráng ca: Lộc vừng nở hoa trên xác máy bay rơi

ANTD.VN - 45 năm trôi qua, xác pháo đài bay B52 vẫn nằm giữa lòng hồ Hữu Tiệp trong làng Ngọc Hà, có khác trên nó nay mọc lên một cây lộc vừng xanh ngắt như khát vọng hòa bình… 

Cây lộc vừng mọc trên xác máy bay B52 tại hồ Hữu Tiệp

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm (từ 19h40 ngày 18-12 đến đêm 29-12-1972) đã có 16 máy bay B52 bị bắn rơi, có 2 chiếc rơi tại Hà Nội. Trong đó, đêm 27-12-1972, một máy bay B52 của Mỹ đã bị bộ đội phòng không không quân Việt Nam bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà. Đặc biệt vì đây là chiếc máy bay B52 bị bắn rơi tại chỗ duy nhất chưa kịp thả bom. Từ ấy, làng hoa nổi tiếng thơ mộng của Thủ đô trở thành lũy thép lịch sử với địa danh là mồ chôn của pháo đài bay B52 hiện đại bậc nhất bấy giờ.

Cả bầu trời rực sáng trong đêm

Đến Ngọc Hà những ngày này, chỉ cần hỏi đôi câu ai cũng sẽ được nghe những câu chuyện về trận chiến kéo dài 12 ngày đêm này. Hàng trăm người thiệt mạng trong những ngày máy bay của đế quốc Mỹ trút bom xuống Hà Nội. Vào thời khắc lịch sử khi máy bay B52 bị bắn hạ, nhiều người con làng hoa còn hằn sâu ký ức về cả bầu trời sáng rực đến mức cái kim trong nhà cũng nhìn rõ.

Là một trong những nhân chứng lịch sử chứng kiến thời khắc đó, bà Đoàn Thị Hiển (Tổ trưởng Tổ dân phố số 10, cụm 4, phường Ngọc Hà) nhớ lại: “11h15 đêm 27-12-1972, mọi người mừng vui hò reo: “B52 rơi rồi!”, tôi đẩy nắp hầm sang một bên, ngó đầu lên thì thấy cột lửa bốc lên ngùn ngụt, sáng rực cả một vùng. Đêm ấy, cả làng không ngủ. Tiếng người gọi nhau vang khắp làng, ai cũng muốn tận mắt chứng kiến “con ngoáo ộp” phơi xác như thế nào. Phần chính của máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Phần nữa rơi trên đường Hoàng Hoa Thám có một quả bom rơi trúng hầm trú ẩn làm 2 người dân thiệt mạng. Trong làng thì một hầm trú ẩn bị sập làm 4 người chết. Trong đó có anh chồng và chị gái tôi… ”.

Ngày ấy, bà Hiển chưa đầy 20 tuổi, làm công nhân xí nghiệp quản lý nhà, cùng các thanh niên khác, bà tham gia lực lượng bám trụ với lực lượng tự vệ Ngọc Hà bảo vệ Hà Nội. Bà Hiển bồi hồi: “Tôi nhớ, có 47 quả bom từ xác chiếc máy bay này. Nhiều quả rơi ra ngoài cắm sâu xuống lòng đất, quả nằm ngay trên đường làng...Bộ đội công binh được cử đến giúp dân tháo gỡ bom mìn, phải đến một tuần sau mới dọn sạch. May bộ đội ta kịp bắn hạ trước khi máy bay cắt bom, nếu không sẽ còn mất mát nhiều đồng bào”. Nói đến đây, bà Hiển xúc động: “Ngay ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm làng Ngọc Hà và động viên bà con tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu. Kỷ niệm ấy thật khó quên”.

Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà năm xưa đang lấy nước tưới cho luống hoa, phía sau là xác chiếc B.52 được trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng B.52 đã, đang và sẽ mãi là hình ảnh đẹp, khắc họa một thời đạn bom, khói lửa - một thời hòa bình.

Những ký ức không thể phai

Ông Nguyễn Đức Dũng, một người dân trong làng còn nhớ như in: “Lúc đó tôi mới 14, 15 tuổi. Lần đầu tiên trong đời được nhìn cảnh tượng hàng loạt máy bay địch thành đuốc trên bầu trời. Người dân lúc ấy, từ trẻ đến già, tự hào ngẩng cao đầu đếm máy bay Mỹ rơi, không một chút run sợ đạn bom.

Tiếng trẻ thơ, tiếng cụ già reo mừng mỗi khi thấy một ngọn lửa bùng lên trên bầu trời, báo lại thêm một máy bay Mỹ nữa cháy. Thanh niên hăng hái tòng quân. Tôi cũng bắt chước mấy anh sinh viên cũng hàng đêm mang ba lô gạch tập hành quân rèn luyện để sẵn sàng lên đường vào Nam chiến đấu. Nhiều năm đã trôi qua nhưng khúc tráng ca vẫn in đậm trong lòng người”.

Trong bản anh hùng ca của người Hà Nội, có nhiều câu chuyện xúc động đã được viết thành tiểu thuyết, dựng thành phim. Bà Hiển có thể ngồi hàng giờ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về  những tháng ngày thanh niên đầy nhiệt huyết xây dựng vào bảo vệ quê hương. Hồi ấy bà và bạn bè cùng lứa là những cô gái làng hoa kiên cường làm tự vệ bám trụ bảo vệ làng để chồng đi chiến đấu, đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong hoạn nạn. Những nhân chứng lịch sử như bà giờ còn rất ít, nên bà mong lớp trẻ nghe những câu chuyện ấy, để những ký ức hào hùng năm xưa sẽ được ghi lại mãi mãi…

Hồ Hữu Tiệp nước vẫn xanh ngát in dấu trời mây. Hàng ngày những em nhỏ vẫn tung tăng đến trường, vẫn cùng nhau nhặt rác làm sạch hồ và đọc những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu năm nào: “…Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ/Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi/Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc…”.