Khám phá đảo Hòn Mê (1):

Khúc tráng ca đảo "bão tố" anh hùng

ANTĐ - "Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể/ Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù/ Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ/ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u…”. Những câu thơ trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến cứ âm vang trong chúng tôi trên hải trình tới đảo Hòn Mê (còn gọi là đảo Mê)-hòn đảo chiến lược nơi vùng biển phía nam Thanh Hóa. Nhưng, những gì được thấy lại cho chúng tôi một Hòn Mê tươi sáng, không chút “âm u”…

Cánh cung trên ngực biển Nam Thanh

“Chưa tới đảo Mê, chưa hiểu hết quân trường Thanh Hóa”-câu nói của Đại tá Phạm Văn Luân, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa như một sự đúc kết vị trí địa-quân sự quan trọng của đảo Mê. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải ra được đảo khi chuyến hải trình của chúng tôi đúng vào dịp đảo chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống (26-3-1965/26-3-2015).

Trước lúc ra bến tàu, Thiếu tá Hoàng Khánh Trình, Trợ lý Tuyên huấn (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa) bảo tôi: “Anh em mình ghé thăm anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, là xã đang quản lý hành chính đảo Hòn Mê. Hơn nữa, anh Tuấn còn là “pho sử sống” về đảo, bao năm ra khơi, đánh cá ven đảo từ thuở 15, 16. Anh cũng là Trung đội trưởng Trung đội dân quân biển đầu tiên hoạt động ở khu vực Hòn Mê”.

Da nâu, mình trắm, giọng nói sôi nổi, anh Tuấn ngồi nói chuyện với chúng tôi thân tình ngay từ lần gặp đầu tiên. Trên bàn anh có mấy cuốn sách của Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng đang đọc dở. Nhắc tới đảo Mê, với anh như chạm vào một miền sống thiêng liêng, một thời thanh niên sôi nổi anh đã qua. Anh Tuấn sinh năm 1960 nên thời thơ ấu của anh gắn liền với tiếng bom rơi, đạn nổ ngoài biển, trong làng. Từ thời còn để chỏm, anh đã được nghe các cụ ngư phủ lão luyện kể về “vựa cá” đảo Mê, vừa là nơi tàu thuyền tránh bão, vừa là “vương quốc” câu mực, bắt tôm hùm, cá mập…

Vùng biển Thanh Hóa chỉ có hai hòn đảo, phía bắc có đảo Nẹ, phía nam có đảo Mê với tên gọi cổ là “Thập bát mã sơn”, tức 18 hòn đảo lớn, nhỏ tạo thành 3 cụm đảo, như một đàn tuấn mã đang lao mình. Cuộc sống của người dân biển cần lao bỗng chốc đảo lộn khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc.

“Đảo Mê là vị trí tiền tiêu, là chiến hạm nổi ngăn chặn quân địch tấn công từ biển vào đất liền, như một cánh cung che chắn vòm ngực biển nam xứ Thanh. Các nhà quân sự nói vậy còn tôi thì từ nhỏ đã nghe các cụ trong làng kể, hồi năm 1964, Mỹ-ngụy từng chở biệt kích ra định đổ bộ lên đảo Mê nhưng bị bộ đội ta phát hiện, nổ súng, ngăn chặn. Cũng năm ấy, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển giữa đảo Mê và đảo Lạch Trường cũng bị hải quân ta đánh đuổi trên vùng biển đảo Mê”-anh Tuấn bồi hồi nhớ lại.

Lão ngư Nguyễn Văn Thức, người đánh cá giỏi nhất xã Hải Bình kể: “Thời chiến tranh, tôi đã nhường nhà cho bộ đội đảo Mê ở. Dân làng tôi coi biển, đảo cũng là nhà. Mất đảo, mất biển thì cũng chẳng còn nghề đánh cá nên dân vùng biển Hải Bình và bộ đội đảo Mê luôn khăng khít như anh em, ruột thịt”.
Cũng như ông Thức, ông Trần Văn Thùy, bác họ anh Tuấn cũng nhường nhà cho bộ đội làm kho đạn. Năm 1967, ngôi nhà bị Mỹ ném bom, nổ tan tành nhưng may mắn không ai bị chết. Bom đạn không đe dọa được ý chí bộ đội đảo Mê và nhân dân Hải Bình. Ban ngày đánh cá, ban đêm, các lão ngư lại tranh thủ trời tối che máy bay địch, giong thuyền buồm chở đạn dược ra đảo Mê. Nhờ có sự tiếp sức của đất liền, nên dẫu từ năm 1965 đến 1973, đế quốc Mỹ đã sử dụng 1.631 lượt máy bay các loại, 402 lượt tàu chiến bắn phá đảo Mê nhưng đảo vẫn sừng sững. Máy bay Mỹ ra đánh phá miền Bắc, khi quay về, bom đạn còn thừa, đảo Mê là nơi chúng chọn trút xuống.
Thế nên, hòn đảo xinh đẹp này trở thành nơi phải hứng chịu lượng bom đạn nhiều nhất xứ Thanh và miền Bắc. Cán bộ, chiến sĩ đảo Mê đã trực tiếp chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 33 chiếc máy bay, bắn chìm, bắn cháy 18 tàu chiến địch, 32 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hòn đảo nhỏ đã trở thành đảo Anh hùng LLVT nhân dân chỉ sau 5 năm thành lập.

Ở tuổi bát tuần nhưng cụ Trần Văn Thùy vẫn thuộc làu bài hát “Lời ca trên đảo Hòn Mê” thời chống Mỹ với những giai điệu hào hùng, như đúc kết cả một chặng đường oanh liệt: “Quê tôi đây đảo Hòn Mê/ Ngày đêm sóng vỗ dập dìu/ Quê tôi đây đảo Hòn Mê/ Buồm căng quanh năm ngoài khơi/ Đây Hòn Mê anh dũng hiên ngang đứng giữa biển trời/ Hải đảo rộn vang lời ca anh bộ đội”.

Trồng cây và trồng người nơi đảo xa

Khi chúng tôi tới cửa biển Hải Bình để ra đảo thì cũng là lúc Thiếu tá Trịnh Văn Thịnh, Đảo trưởng, cùng mấy chiến sĩ vừa từ đảo cập bờ. Khoang tàu chật kín… rau xanh. Chàng sĩ quan trẻ đang chỉ huy anh em vận chuyển rau lên bờ để… tặng bộ đội và nhân dân. Hỏi ra mới biết, đã nhiều năm nay, bộ đội đảo Mê luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng gia. Rau trồng ăn không hết, phải chuyển ngược lên tàu, chuyển vào bờ để làm công tác… dân vận.
Dịp đầu Xuân, rau cải, bắp cải, su hào rất nhiều, các tàu đánh cá của dân trên biển có nhu cầu rau tươi, đều ghé qua đảo như một trạm tiếp phẩm giữa biển khơi. Cùng với rau xanh, bộ đội đã tự túc được 80-90% nhu cầu thịt, cá. Đảo hiện nuôi 28 con bò, 45 con dê, 74 con lợn, trong đó có cả lợn nái, lợn cắp nách, khá nhiều chó, gà, vịt…

Điều anh Thịnh nói được kiểm chứng khi sau hơn một giờ đồng hồ lướt sóng giữa biển lặng chiều xuân, chúng tôi đã tới đảo Mê xinh đẹp. Khi tàu qua Lạch Bạng, “đàn tuấn mã”-những hòn núi đá trên biển dần hiện ra trước mắt chúng tôi, đẹp tựa một bức tranh. Hòn Buồm, Hòn Sổ, Hòn Nêu, Hòn Bung, Hòn Họp, Hòn Ruộc, Hòn Bò, Hòn Vàng, Hòn Sảnh, Hòn Vát… cứ lần lượt hiện ra. Cuối cùng là Hòn Mê, hòn đảo lớn nhất với địa hình núi đá bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh.

Bước lên cầu tàu, trước mắt chúng tôi là cổng doanh trại nghiêm trang và ngôi nhà gỗ bộ đội mới làm, cũng là trạm dừng chân, đón khách. Con đường trải nhựa uốn lượn theo sống núi đưa chúng tôi đi về khu vực sở chỉ huy, đi qua các thao trường, trận địa, sân vận động, vườn tăng gia, kho tàng… Một quần thể công trình kiên cố, hiện đại, tạo thế đứng vững chãi cho đảo.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng để có được nhà cửa khang trang, những vườn rau xanh mướt, những đàn gà, đàn lợn rừng như tranh vẽ giữa biển khơi là biết bao mồ hôi, nước mắt của người lính. Cách đây ít lâu, một người lính già trở lại đảo Mê đã kể lại chuyện những năm đầu hòa bình, ông và đồng đội phải vừa gỡ bom, vừa bạt núi, san đồi, xây dựng doanh trại, công sự, trận địa.
Từ những lán trại bằng tranh tre, nứa lá, nhà bạt, những công sự bằng đất, đến nay đã có một cơ ngơi khang trang, hệ thống đường giao thông đi lại thuận tiện, đường tuần tra quanh đảo được khép kín, thông tin liên lạc luôn bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện, nâng cao khiến ông bất ngờ về sự đổi thay quá lớn của đảo.

Thiếu tá Phùng Văn Liêm, Chính trị viên đảo kể: “Đã có một thời, rau xanh là thứ vô cùng quý hiếm với người lính đảo Mê, chỉ có được nhờ tàu mang từ bờ ra đảo. Đảo có cấu tạo chủ yếu là đá vôi, địa hình lại dốc đứng, không tụ thủy, không có một cái ao, cái hồ nào. Mà muốn trồng rau phải có nước ngọt. Làm thế nào?”.

"Phải học bộ đội Trường Sa thôi"-đề xuất của một người lính nghe thật chí lý. Bộ đội Trường Sa gian khổ hơn đảo Mê gấp bội còn trồng được rau. Trên đảo Mê hiện cũng có Trung tá QNCN Hoàng Thế Dũng, nhân viên cơ yếu của đảo, người đã có kinh nghiệm 3 năm trồng rau trên đảo chìm Tốc-tan. Vậy thì sao anh em ta lại “đầu hàng” thiên nhiên. Một cuộc “cách mạng”, biến đá thành vườn rau xanh được triển khai. Biết bao lớp cán bộ, chiến sĩ hăng say đào đá, gùi từng bao đất từ bờ mang ra để làm vườn rau. Bao bàn tay sưng vù, rớm máu vì phá đá. Rồi chờ mưa, hứng nước, quét nước, trữ nước cho vườn rau.

Không chỉ giỏi trồng rau, đảo Mê còn nổi tiếng là nơi “trồng người”, nơi ươm nguồn cán bộ, đảng viên.
Đại tá Phạm Văn Luân khẳng định với chúng tôi: “Nhiều năm nay, đảo Mê đã trở thành “lò đào tạo”, nơi ươm nguồn cán bộ, đảng viên của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Hầu hết cán bộ chủ trì, lãnh đạo các cơ quan quân sự đều được trải qua rèn luyện ở đảo Mê. Còn với các chiến sĩ trẻ, đảo Mê là nơi ươm nguồn phát triển đảng viên, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số”.

Trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo, chúng tôi thấy rất rõ chủ trương mà anh Luân nói. Trung sĩ Hơ Văn Pó, sinh năm 1995, người dân tộc Mông, quê ở xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát-huyện miền núi nghèo và xa xôi nhất của Thanh Hóa, tâm sự: Pó đã học hết THPT, khi đi bộ đội, lãnh đạo xã đến tận nhà căn dặn Pó phấn đấu sao cho tốt để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có thể tham gia công tác ở xã. Tháng 4 tới, Pó được đơn vị chọn trong danh sách đi học lớp đối tượng Đảng. Nhập ngũ trước Pó, người cùng xã có anh Song Tho Pó cũng là chiến sĩ đảo Mê đã hoàn thành nghĩa vụ, được kết nạp Đảng.
Còn với Hạ sĩ Tăng Văn Sang, quê ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, em luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện tốt để thực hiện ước mơ thi đỗ một trường sĩ quan quân đội. Theo Thượng tá Đàm Xuân Tình, Trưởng ban Quân lực Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, mùa huấn luyện năm nay, cũng có hàng chục chiến sĩ mới người Mông, Dao, Khơ Mú, Mường… quê ở các huyện miền núi sẽ được biên chế về đảo Mê để tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho cơ sở sau này.

Có đội ngũ cán bộ mạnh chính là cái gốc để đảo Mê luôn là đơn vị đi đầu về huấn luyện. Đảo được biên chế nhiều loại vũ khí, trang bị nên đơn vị luôn huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo 3 đến 5 loại vũ khí, thành thục các phương án tác chiến bảo vệ đảo, đánh địch đổ bộ đường không và đường biển, đánh địch đột nhập. Năm 2014 vừa qua, đảo Mê là đơn vị duy nhất của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa được Bộ tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi và nhiều năm liền được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.