Khúc tráng ca bất tử trước ngưỡng cửa hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Nguyễn Đình Thi - cựu chiến binh, Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 vẫn nhớ như in những khoảnh khắc hào hùng, bi tráng trong ngày 30-4 của 50 năm trước…

Trận đánh cuối cùng

Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ánh mắt, giọng nói của ông Thi vẫn sang sảng. Ông nhớ lại, ngày 7-4-1975, với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn 24 của ông được lệnh rời chiến trường Tây Nguyên, thần tốc hành quân tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Trong chiến dịch này, Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, là 2 trong 5 mục tiêu trọng yếu của chiến dịch. Riêng Trung đoàn 24 phụ trách hướng tiến công thọc sâu từ phía Nam - Tây Nam. Ông Thi tâm sự, trận đánh của sư đoàn mình trong ngày 30-4 được coi là ác liệt nhất trong các hướng tiến công bởi lẽ khu vực này quân địch bố trí rất đông, vũ khí hiện đại. Sáng 30-4-1975, đơn vị của ông vượt qua ngã tư Bảy Hiền tiến đến khu vực Lăng Cha Cả - cửa vào sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực này rộng chừng 2.000m2 với 3 mặt đều trống, rất tốt cho việc phòng thủ.

Từ đây tới cổng số 5 sân bay Tân Sơn Nhất không xa, chỉ khoảng hơn 200m, cách Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn chừng 300 - 400m. Tại đây, địch bố trí xe tăng, xe bọc thép, riêng hỏa lực các loại bao gồm cả hỏa tiễn chống tăng M72 được bố trí ở những vị trí hiểm yếu trên các nóc nhà, trên các xe di động. Ngoài ra, ngày 26-4-1975, địch còn tăng cường cho khu vực này Liên đoàn 81 Biệt kích nhảy dù với số quân trên 1.000 tên để bảo vệ sây bay. “Lúc này, Tiểu đoàn 4 của chúng tôi được lệnh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng để đến được cổng số 5 của sân bay phải đi qua Lăng Cha Cả. Tại đây, những người lính đã chiến đấu dũng cảm, nhiều người hy sinh đúng vào những thời khắc cuối cùng” - ông Thi nói mắt rưng rưng.

Ông Thi kể những ký ức không thể quên ấy thật sống động: “Đội hình 4 xe tăng đi cùng Đại đội 2 của chúng tôi tiến tới Lăng Cha Cả. Sau khi chiếm được một phần khu vực này, xe tăng, xe bọc thép của Đại đội 2 và Đại đội 7 đánh phát triển theo dãy phố bên phải đường Võ Tánh. Xe tăng mang số hiệu 875 qua hết dãy phố, vừa nhô đầu ra khoảng trống thì trúng hỏa tiễn M72 của địch bắn xuống từ nóc nhà trước cổng Bộ Tổng tham mưu. Một quả cầu lửa lớn bùng lên. Từ phía sau, chiếc tăng thứ 2 lao lên và lại trúng hỏa tiễn của địch.

Bất chấp nguy hiểm, lách sang trái 2 chiếc xe vừa cháy, chiếc xe tăng thứ 3 mang số hiệu 326 của Trưởng xe Nguyễn Ngọc Kha cực kỳ dũng cảm lao lên húc tung dải phân cách, nhưng chỉ được một đoạn thì bị bắn. Chưa đầy 20 phút, ta mất 3 chiếc xe tăng, địch cố thủ mãnh liệt. Sau đó, đại đội xe tăng tiếp theo quyết định chuyển hướng tấn công, nhưng cũng bị bắn cháy 2 xe. Trung đoàn trưởng Vũ Tài quyết định điều 2 khẩu pháo 85 ly lên hỗ trợ. Khẩu đội pháo đầu tiên vừa vào tới khu vực bên trái Lăng Cha Cả, chưa kịp nổ súng thì lại trúng hỏa tiễn của địch và hy sinh…”.

Khi chúng tôi hỏi, khi nào thì ông và các đồng đội mới “chạm tay vào hòa bình”, ông Thi cho biết: “Khi đang chiến đấu giằng co với địch thì tôi biết được thông tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Lúc đó, tôi thấy một đoàn xe lam khoảng 4 - 5 chiếc, trên xe toàn thanh niên đeo băng đỏ, trống, chiêng rầm rầm, xe nào cũng treo cờ giải phóng chạy từ phía ngã tư Bảy Hiền lên hô lớn: “Dương Văn Minh đầu hàng rồi, các chú ơi! Hòa bình rồi, các chú ơi!”. Tôi còn phải ngăn đoàn xe, yêu cầu quay lại ngay vì ở đây vẫn đang đánh nhau. Địch ngoan cố, chúng tôi vẫn phải chiến đấu quyết liệt và nhiều đồng chí của chúng tôi vẫn hy sinh ngay cả lúc hòa bình đã đến rồi…”.

Ông Nguyễn Đình Thi (Thanh Xuân, Hà Nội), cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trò chuyện với thế hệ trẻ hôm nay

Ông Nguyễn Đình Thi (Thanh Xuân, Hà Nội), cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trò chuyện với thế hệ trẻ hôm nay

Lời thì thầm của lịch sử

Sau tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, nội đô Sài Gòn nhiều nơi đã im tiếng súng. Riêng khu Lăng Cha Cả thì khác, cuộc chiến của Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 vẫn diễn ra rất ác liệt. Trước tình hình pháo binh chưa thể triển khai tấn công được, đồng chí Trương Văn Việt - Trung đoàn phó Trung đoàn 24 và đồng chí Lê Xuân Chuyển - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 quyết định đột phá sang khu vực bên trái Lăng Cha Cả. Bộ binh các Đại đội 5, 6 và 7 chia thành 2 mũi, một mũi cùng xe tăng đánh theo cổng số 5, một mũi đánh vào cổng phía Tây.

Tại cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất, địch vẫn chống trả rất quyết liệt, thêm 3 xe tăng nữa của ta bị địch bắn hư hỏng nặng. Tuy nhiên, các chiến sĩ xe tăng nhất quyết không rời xe mà dùng súng 12,7 ly trên xe bắn hỗ trợ cho bộ binh tấn công. Ở cổng phía Tây, 3 xe tăng của Đại đội 1 cùng 4 xe thiết giáp của Đại đội 11, Trung đoàn 24, phát triển khá thuận lợi đã nhanh chóng cùng Đại đội 5 và 6 giải quyết dứt điểm khu Lăng Cha Cả rồi đánh thẳng vào trong sân bay. Thừa thắng, đơn vị chiếm luôn Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân, khu truyền tin, khu cố vấn, khu radar, toàn bộ quân địch còn lại ở đây đã nhanh chóng bị tiêu diệt.

Lúc 10h30, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 đã tấn công vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù đóng gần khu vực sân bay, địch ở đây chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. 11h30, Trung đoàn 24 đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. Đến chiều 30-4-1975, Đại đội 2 được giao nhiệm vụ giải quyết công tác tử sĩ tại khu vực 3 chiếc xe tăng cháy. Nhìn đồng đội hy sinh mà ai cũng nhói lòng. Lúc đó, ông Thi cùng các đồng đội mới có được cảm giác chạm vào hòa bình, thống nhất nhưng tất cả đều không cầm được nước mắt…

Ông Thi tâm sự, đã qua 50 năm, nhưng hình ảnh các đồng đội hy sinh ở Lăng Cha Cả vẫn khiến ông không thể nào quên. Những cái tên thân thương năm nào ông vẫn nhớ hết, vẫn thầm gọi: “50 năm rồi chúng mày ạ! Đất nước giờ đẹp lắm! Tao nhớ chúng mày…”. Ông Thi chia sẻ thêm: “Các bạn trẻ hôm nay đều rất giỏi, làm được nhiều thứ mà chúng tôi không làm được. Chúng tôi và những câu chuyện 50 năm trước mà tôi kể lại là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, tinh thần quật cường. Những ký ức đó không chỉ là câu chuyện mà còn là ngọn lửa đánh thức thế hệ mai sau sống xứng đáng với những người đã lấy tuổi xuân và xương máu mình viết nên hòa bình…”.