Khúc biến tấu với cây đàn nhị 

(ANTĐ) - Người xem phim truyền hình hẳn chưa quên thanh âm là lạ trong bộ phim Ma làng. Bên cạnh nhạc phim sử dụng gần như hoàn toàn nhạc cụ dân tộc do nhóm Hồn tre thể hiện, thì ca khúc chính trong phim với lời thơ của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì phần nhạc của Ngô Hồng Quang cũng là một điều mới lạ so với rất nhiều những bài hát trong phim trước đó. Đó là tác phẩm nhạc phim đầu tay của Quang, có thể nói đánh dấu một bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của anh.

Khúc biến tấu với cây đàn nhị 

(ANTĐ) - Người xem phim truyền hình hẳn chưa quên thanh âm là lạ trong bộ phim Ma làng. Bên cạnh nhạc phim sử dụng gần như hoàn toàn nhạc cụ dân tộc do nhóm Hồn tre thể hiện, thì ca khúc chính trong phim với lời thơ của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì phần nhạc của Ngô Hồng Quang cũng là một điều mới lạ so với rất nhiều những bài hát trong phim trước đó. Đó là tác phẩm nhạc phim đầu tay của Quang, có thể nói đánh dấu một bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của anh.

Quang bắt đầu con đường nghệ thuật của mình từ khi 13 tuổi, bắt đầu vào sơ cấp đàn nhị của Nhạc viện Hà Nội. Hỏi anh sao không chọn môn nào trẻ trung và hiện đại cho phù hợp với thanh niên, anh trả lời vì cả ông nội và bố đều là người chơi đàn nhị nghiệp dư, nên muốn hướng cậu con trai út trở thành người chơi đàn nhị chuyên nghiệp. Chính từ ý nguyện đó, dù chứng kiến rất nhiều những người bạn đồng liêu của mình bỏ cuộc chơi, còn Quang có thừa khả năng chuyển sang thanh nhạc cũng như ngoại ngữ để lập thân, anh vẫn quyết tâm trụ lại với nghề. Trở thành người duy nhất của tổ nhị được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp đại học, cũng là lúc Quang bắt đầu tập tành sáng tác. Đầu tiên là những tác phẩm viết cho cây đàn nhị mà anh yêu thích. Và rồi ca khúc “Đêm cuối cùng của mùa đông”, một sáng tác biểu diễn thanh nhạc có thể coi là mở hàng cho những sáng tác tiếp sau này của anh.

Đàn nhị theo suy nghĩ của Quang thể hiện được tâm trạng sâu trong những bài anh kéo. Quang bảo: Nhiều người nghĩ, đàn nhị thường chỉ dùng trong đám ma, không mang lại sự vui vẻ. Nhưng với những người chơi, suy nghĩ khác hoàn toàn. Quang cho rằng, đàn nhị còn có thể kéo được những bài vui, những bài buồn tùy theo tâm trạng của người chơi, thậm chí còn kéo được cả những bài hành khúc, vì thanh âm của nó chẳng khác nhiều so với những cây đàn violon.

Có lẽ Quang là người luôn gắn liền với những chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Quang chưa đi nhiều nhưng mỗi chuyến đi lại đánh dấu một sự kiện nghệ thuật của anh. CD Quang với phần biểu diễn đàn nhị của Quang ra đời trong điều kiện như thế. Lần đầu tiên anh được đi biểu diễn nhạc cụ truyền thống ở châu Âu, một mình anh đơn thương độc mã, vừa chơi vừa giới thiệu cây đàn nhị đến bạn bè thế giới. Vậy thì tại sao không làm một đĩa nhạc để quảng bá, giới thiệu luôn. 11 bài hoàn toàn do Quang biểu diễn, chỉ số ít trong đó là có phần hòa tấu và một bài nhị bè đệm cho nhau - Bèo dạt mây trôi, hai bài hành khúc: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Vũ khúc Hungary, một bài hát do anh thể hiện: Tiếng Việt sáng tác của Nguyễn Lê Tâm, lời thơ Lưu Quang Vũ... Không ai dám nghĩ cú liều đó của Quang lại để lại ấn tượng tốt. Lượng phát hành không lớn, chỉ 1.000 bản, bởi chả ai dám liều in đĩa nhạc cụ dân tộc với số lượng lớn cả vì đĩa hát còn khó bán nữa là đĩa âm nhạc truyền thống. ấy thế mà mới chỉ từ tháng 7 năm ngoái thôi, số lượng đĩa của Quang cũng đã gần hết. Quang tự bảo thế là thành công rồi.

Chưa một lần ăn Tết xa những người thân, Tết này, Quang phải tạm biệt đất nước, đi biểu diễn ở Hà Lan và Bỉ. Chuyến đi xuyên Tết đầu tiên mang lại cho anh nhiều xao xuyến. Xa gia đình, biểu diễn cho nhiều tổ chức nước ngoài mà anh chưa kịp nhớ tên, biểu diễn cho kiều bào đúng vào dịp Tết Nguyên đán, đó là việc mà Quang sẽ làm trong chuyến đi này. Biết đâu đấy, sau chuyến đi ấy, lại tiếp một cú mạo hiểm nữa của chàng trẻ tuổi Ngô Hồng Quang - xuất bản thêm những đĩa CD.

Châu Anh