Khúc biến tấu của mì ăn liền - món "quốc dân"

ANTD.VN - Mì ăn liền hay còn được gọi với tên khác là mì tôm, mì gói dù không nằm trong danh mục ẩm thực truyền thống của người Việt, nhưng sau mấy chục năm du nhập nó căn bản đã trở thành một món ăn vừa bình dân vừa quen thuộc, vừa thuận tiện vừa “dễ tính” bởi chế biến theo phương thức nào đi chăng nữa cũng vẫn… hợp khẩu vị.

Khúc biến tấu của mì ăn liền - món "quốc dân" ảnh 1Mì gà tần món ăn  thích hợp cho mùa lạnh 

Mấy ai biết về lịch sử ra đời của mì ăn liền?

Người phát minh ra mì ăn liền là Ando Momofuku (1910-2007) - một doanh nhân người Nhật Bản gốc Đài Loan (Trung Quốc). Ông từng có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất do Tạp chí Time châu Á bình chọn. 

Sau chiến tranh, Nhật Bản lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực, Bộ Y tế Nhật Bản khi đó đã khuyên mọi người nên ăn bánh mì làm bằng bột mì của Mỹ. Nhìn dòng người dài nối nhau xếp hàng chờ mua một tô mì trong tiết trời mùa đông giá lạnh, Ando Momofuku trăn trở với câu hỏi: “Tại sao lại khuyến cáo dân Nhật ăn bánh mì trong khi mì mới là món ăn truyền thống của người Nhật?”. Từ đó, Ando quyết tâm bắt tay sản xuất một loại mì của theo cách của riêng mình.

Quá trình để làm ra mì ăn liền không hề đơn giản, nó đã khiến ông lao tâm khổ tứ và mất rất nhiều thời gian với cả trăm lần thí nghiệm. Ngày 25-8-1958, sau nhiều lần thất bại, Ando cuối cùng hoàn thành. Lúc ban đầu, loại thực phẩm này được coi là hàng xa xỉ vì có giá bằng 35 Yên, gấp khoảng 6 lần giá mì Udon và Soba truyền thống thời đó. Để sợi mì có vị ngon, ông ngâm nó vào loại súp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô và mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin (nói nhái tiếng Anh chicken). Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào tô, rót nước sôi vào đậy kín, để trong vòng 3 đến 5 phút là ăn được ngay, hết sức tiện lợi.

Khúc biến tấu của mì ăn liền - món "quốc dân" ảnh 2

Biểu tượng của Nhật Bản

Năm 1962, công ty của Ando chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mì ăn liền. Năm 1964, Ando đã tuyên bố chấm dứt độc quyền sản xuất mì ăn liền. Ông thành lập Hội Công nghiệp Mì sợi Nhật Bản và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.

Ban đầu người Nhật cho rằng sản phẩm này chẳng có tương lai. Nhưng thời gian đã chứng minh điều ngược lại. Phát minh ra mì gói của ông Ando nhanh chóng được nhân rộng trên phạm vi toàn cầu. Viện Nghiên cứu Fuji (Nhật Bản) từng tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về những sản phẩm xuất khẩu tốt nhất của thế kỷ XX. Kết quả, người Nhật đã chọn mì ăn liền là phát minh số 1, trên cả karaoke, máy nghe nhạc Walkman. Từ một món ăn sáng chế ra với mục đích “cứu đói”, mì ăn liền đã trở thành một trong các biểu tượng của nước Nhật.

Khúc biến tấu của mì ăn liền - món "quốc dân" ảnh 3Mì ăn liền du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 1960 thế kỷ trước và nay đã trở thành món ăn quen thuộc tiện dụng

Món ăn thông dụng của mọi tầng lớp 

Không có một tài liệu nào khẳng định chính xác thời điểm những gói mì đầu tiên xuất hiện, nhưng áng chừng mì gói có mặt ở Việt Nam vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước tại TP.HCM. Sau năm 1975, món ăn này mới xuất hiện ở Hà Nội, ban đầu, nó được coi là dành cho những người có tiền. 

Theo số liệu thống kê, Việt Nam xếp thứ tư về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản với 4,920 tỷ gói năm 2016 (theo số liệu từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới WINA). Ước tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam ăn khoảng 52 gói mì/năm, tương ứng với 1 gói/tuần.

Hơn 40 năm có mặt tại Hà Nội mì ăn liền đã trở thành món ăn thông dụng, tiện lợi của đủ mọi tầng lớp. Nó là thứ mà người ta có thể dễ dàng bỏ vào trong vali mang theo trong những chuyến công tác dài ngày phòng khi “nhỡ độ đường” hay đồ ăn thức uống nơi đến không hợp khẩu vị. Nó cũng là thứ mà sinh viên, hay những người lao động nghèo có thể sống dựa vào khi eo hẹp. Nói chung đó cũng là một loại thực phẩm khá dễ tính bởi người ta có thể ăn kèm, nấu kèm với nhiều thứ khác mà cơ bản đều không sợ “lệch tông” vị ví như mì với rau, với trứng, với thịt lợn, thịt bò, cá, dưa muối, ăn kèm lẩu, rồi xào giòn xào mềm…  

Tức là ở Hà Nội bây giờ, nếu chọn mì ăn liền làm món điểm tâm sáng thì chắc cũng phải mất chừng 2-3 tuần thực khách mới có thể nếm hết những món ngon từ mì ăn liền đã được người Hà Nội “thiên biến vạn hóa” để thành những món ăn chỉ có ở Hà Nội phố. 

Mì ăn liền thiên biến món

Nếu đến Hà Nội chỉ để thưởng thức mì ăn liền thì đầu tiên thực khách phải nếm thử mì gà tần. Gà tần không chỉ là một món ngon mà còn là một thức ăn rất bổ dưỡng, xưa nay gà tần thường ăn kèm với vài lát bánh mỳ rán. Trước đây, có một hàng gà tần trên phố Vũ Hữu Lợi khá đông khách, ở đây gà tần được bán kèm miến. Nước gà với đủ các vị đẳng sâm, kỳ tử, thục địa, ngải cứu… được kết hợp với miến cũng khá hợp. Những tưởng, sáng tạo chỉ dừng ở miến là cùng thì mới đây, nhiều người rủ nhau đi thưởng thức mì gà tần (tức mì ăn liền nấu với gà tần). Sự kết hợp này ban đầu tưởng không liên quan, nhưng hóa ra lại hấp dẫn.

Tiết trời Hà Nội cuối thu, đêm buông lành lạnh, thưởng thức bát gà tần ăn kèm mì ăn liền quả là một gợi ý không thể tuyệt vời hơn. Nếu thực khách hợp với vị thuốc bắc, chắc chắn ăn một lần là… “nghiện”. Ở Hà Nội không nhiều hàng mì gà tần, chỉ có một vài địa chỉ, quán hàng không biển hiệu nhưng chưa bao giờ vắng khách. Được nhiều thực khách lựa chọn nhất là hàng mì ở vỉa hè phố Hàng Cân, đoạn cắt với Hàng Bồ. Cũng như nhiều quán hàng khác trên phố cổ, quán hàng này khá chật chội, phải ngồi men theo vỉa hè chật hẹp nhưng khách vẫn nườm nượp, đặc biệt đông khi trời lạnh. Quán chỉ mở vào buổi chiều. Ngã tư Lãn Ông - Chả Cá cũng có một hàng, trước bán tiết tần, sau bán kèm thêm mì gà tần cho những thực khách có nhu cầu. Quán này cũng chỉ bán từ 5h chiều. Khác với mì gà tần chuyên bán buổi chiều, cũng có dăm ba quán hàng bán mì tim cật nhưng chủ yếu  bán vào sáng. 

Thực khách sành ăn vẫn mách nhau về một hàng mì trên phố Hàng Tre đoạn cắt Lò Sũ đi lên. Nước dùng mì được chế biến từ cà chua, có thêm vị ớt và tỏi, dù nước dùng chua cay nhưng khá vừa miệng và thích hợp với thời tiết mùa đông Hà Nội. Ngoài tim, bầu dục còn có thịt bò cho thực khách lựa chọn. Một chút rau cải ngọt cùng nước dùng, bầu dục hay tim hoặc thịt bò được chần vừa tới… khiến những thực khách khó tính nhất cũng vừa lòng.

Trên ngõ Hàng Bột cũng có một hàng mì tim được nhiều người nhớ đến. Khác với hàng mì trên phố Hàng Tre, nước dùng ở đây được nấu với cà chua, rau cải. Nếu muốn ăn một bát mì tim với cách giản dị nhất thì bạn nên chọn hàng mì trên phố Hàng Giấy, không sử dụng quá nhiều gia vị gia giảm, mì được nấu với nước xương ninh, tim và bầu dục thái dầy. Khi ăn độ giòn ngọt của tim, độ tươi thanh của rau cộng với mì tạo thành một tổng thể hài hòa rất dễ gây “nghiện”. Cũng từ mì gói, người ta có thể sáng tạo ra rất nhiều món xào. Mì xào tim, xào thịt bò, hải sản, rồi xào giòn, xào mềm, xào trứng…

Với các món ăn biến tấu của mì để phù hợp với khẩu vị, có thể thấy rõ sự cởi mở trong giao lưu văn hóa ẩm thực ở Việt Nam. Rất nhiều món ăn du nhập từ các nơi trên thế giới, đến Việt Nam đều được “Việt Nam hóa” để rồi trở thành món ăn không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực Việt. Có ai đó đã nói khá chính xác rằng, nếu phở được coi là món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Việt thì sẽ không có món nào xứng đáng với danh xưng “món ăn quốc dân” hơn mì ăn liền.