"Khuấy" lên căng thẳng Ukraine - Nga

ANTD.VN - Quan hệ giữa Kiev và Matxcơva bất ngờ leo thang căng thẳng trở lại sau vụ 3 tàu hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ với cáo buộc “xâm phạm trái phép lãnh hải Nga ở gần bán đảo Crimea”.

"Khuấy" lên căng thẳng Ukraine - Nga ảnh 1Hình ảnh va chạm giữa tàu lực lượng Nga truy bắt và tàu kéo Ukraine trên biển Azov

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có cuộc họp khẩn vào lúc 23h ngày 26-11 (giờ Việt Nam) về căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine trên biển Azov. Cuộc họp khẩn này được cả hai phía Nga và Ukraine cùng đề nghị sau khi xảy ra va chạm, nổ súng trên biển khiến 6 lính hải quân Ukraine bị thương và lực lượng biên phòng cùng an ninh Nga đã bắt giữ cả 3 tàu hải quân Ukraine cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.

Đụng độ giữa các lực lượng Nga và Ukraine bùng phát sáng 25-11 khi 3 tàu hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga khi không có đơn đề nghị qua eo biển Kerch để đi từ biển Đen vào biển Azov. Các lực lượng Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraina và trong quá trình bắt giữ đã xảy ra va chạm, nổ súng khiến 6 thủy thủ Ukraine bị thương.

Phía Ukraine lại cho biết nước này đã thông báo trước với Nga về lộ trình trên biển của các tàu chiến của mình. Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hành động của Nga là  “hiếu chiến” và sẽ đệ đơn phản đối lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Không chỉ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về cuộc đụng độ trên biển Azov, cả Nga và Ukraine cùng có những động thái “động binh” khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia càng trở nên căng thẳng. Nga đã triển khai hàng loạt tàu chiến phong tỏa dọc cây cầu bắc qua eo biển Kerch, cấm các phương tiện dân sự đi qua vùng biển này, đồng thời triển khai các máy bay cường kích Su-25 và trực thăng tấn công Ka-52 tuần tra.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine để thông qua lệnh thiết quân luật toàn quốc trong vòng 60 ngày. Tổng thống Poroshenko cũng kêu gọi Quốc hội Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh, điều có thể cho phép Tổng thống cũng là Tổng tư lệnh ra lệnh tổng động viên.

Việc quan hệ giữa Ukraine và Nga bất ngờ bị đẩy lên đỉnh điểm căng thẳng mới khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng dù rằng thời gian qua đã không ít lần xảy ra những vụ việc giữa hai quốc gia này trên biển Azov gần eo  biển, Kerch, con đường duy nhất qua lại giữa biển Đen và biển Azov. Theo một hiệp ước ký năm 2003, eo biển Kerch và biển Azov là vùng lãnh hải do Nga và Ukraine kiểm soát, song phía Nga đã tăng cường kiểm soát eo biển này nhiều hơn sau khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014.

Cũng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Crimea đầu năm 2014, mối quan hệ Ukraine - Nga đã luôn ở dưới đáy kể từ khi hai quốc gia này trở thành những quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan vỡ năm 1991. Cuộc khủng hoảng Crimea còn đẩy quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga thời kỳ u ám với liên tiếp các đòn trừng phạt, trả  đũa được tung ra từ hai phía, gây thiệt hại lớn cho cả hai bên, đặc biệt là Nga. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng nói từ Tây Âu kêu gọi nới lỏng cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Nga.

Nới lỏng cấm  vận và bình thường hóa quan hệ giữa phương Tây và Nga là điều mà Ukraine hoàn toàn không mong muốn khi mà cuộc khủng hoảng Crimea chưa được giải quyết theo hướng mà họ mong muốn. Trong khi đó, Kiev rõ ràng đã lường trước được phản ứng và hành động của Matxcơva khi điều 3 tàu hải quân đi qua eo biển Kerch mà không thông báo cho phía Nga.

Vụ đụng độ trên biển Azov ngày 25-11 không chỉ “khuấy” lên căng thẳng giữa Ukraine và Nga mà có thể khiến làm chững lại những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Nga và phương Tây.