Khuất sau những chuyến hàng tết

ANTĐ - Cũng như Lạng Sơn, cửa khẩu quốc tế Lào Cai là một trong hai địa điểm lớn nhất cả nước trong việc thông thương với Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều không ngừng tăng nên vào dịp cuối năm, hàng trăm cửu vạn tập trung về đây mưu sinh.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Cửu vạn trảy “hội”

Cứ vào những ngày giáp tết lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu tăng theo theo cấp số nhân. Chính vì thế “ngày vào vụ” của các nhóm cửu vạn vùng biên cũng sôi nổi, nhộn nhịp hơn. Ngoài dân bản địa ở một số huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà… thì dân các tỉnh lân cận như Yên Bái, Hòa Bình cũng đổ dồn về đây rất nhiều. Theo như quan sát của chúng tôi, có tới vài trăm, thậm chí hàng nghìn cửu vạn có mặt ở khắp các ngõ ngách của TP Lào Cai kéo dài từ cửa khẩu quốc tế đến đầu mối các đại lý phân phối hàng.

Mùa đông biên giới, mặc dù cái rét như cắt da cắt thịt nhưng ngay từ sáng sớm khi sương mù còn chưa tan tại cửa khẩu Lào Cai đã đông đúc các nhóm người làm thuê tranh nhau bốc dỡ hàng hóa từ các xe tải cỡ lớn. Mỗi nhóm cửu vạn có từ 6-12 người, họ chia nhau người bốc, người chở hàng bằng những chiếc xe kéo thô sơ, xe thồ. Có những chiếc xe đẩy cao ngút hàng chở chăn, chiếu, bàn ghế, lục bình, hàng điện tử…

Dù đang bụng mang dạ chửa nhưng chị Nguyễn Thị Minh (32 tuổi), quê ở Phú Thọ vẫn gồng mình để kéo xe hàng chất cao hơn đầu người qua cửa khẩu. Chị Minh cho biết: “Nhà có hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, còn phải nuôi cha mẹ già mà chỉ có mấy sào ruộng để trông chờ no đói nên cứ hết mùa vụ là vợ chồng dắt díu nhau lên Lào Cai kiếm việc”.

Làm cửu vạn ở cửa khẩu Lào Cai được gần 3 năm nay, thế nhưng mỗi tháng hai vợ chồng cũng chẳng tích cóp được mấy. Mỗi chuyến xe hàng được trả vài ba chục nghìn đồng, tùy số lượng. Có khi gặp chủ thoáng, họ “bo” thêm dăm ba chục, nhưng những người như vậy rất ít. Trước đây, cửu vạn ở cửa khẩu Lào Cai chủ yếu là dân địa phương và cũng không đông như bây giờ nên thu nhập cao hơn, nếu là người khỏe mạnh thì tháng tết cũng kiếm ngót chục triệu đồng. Còn bây giờ, cửu vạn quá đông nên cũng khó làm ăn hơn.

San sẻ khó khăn

Đối với những cửu vạn làm trong khu vực bên trong cửa khẩu như chị Minh thì phải có giấy phép thông hành hàng tháng. Cửu vạn ở đây phần đông là chị em phụ nữ, công việc thường là kéo xe hàng, còn đàn ông thì bốc dỡ hàng hóa trên xe tải.

Tuy vậy, mỗi chuyến hàng vận chuyển qua cửa khẩu không hề nhẹ nhàng, bình thường phải hàng tấn, có chuyến vài chục tấn là bình thường. Vậy nên muốn làm cửu vạn thì sức khỏe phải dẻo dai và nhanh nhẹn. 

Anh Dương Văn Tài, người gốc Hà Tây cũ dường như đã quá quen thuộc với những chuyến hàng vì có thâm niên hàng chục năm làm ở đây. Anh Tài cho biết: “Ở cửa khẩu tuy anh em trong nghề đông đúc, nhưng việc tranh giành rất ít khi xảy ra. Anh em trong nghề ai cũng ý thức được hoàn cảnh của nhau nên có khi còn nhường nhịn những chuyến hàng để san sẻ thu nhập”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các cửu vạn không ngại dầm mưa dãi nắng để có được đồng tiền. Đến bữa trưa, mỗi người một góc với suất cơm bụi ăn cho qua bữa để tiếp tục làm việc. Có nhóm đang ăn, có chủ hàng gọi bốc dỡ, họ lại bỏ dở bữa để kiếm thêm đồng tiền.

Cửu vạn kiếm tiền về ăn tết

Ước mơ giản dị

Cùng với gần chục người trong làng lên Lào Cai làm cửu vạn, anh Lê Văn Quyền, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa chia sẻ: “Nhà thuộc hộ nghèo, đất sản xuất không có nên rủ anh em trong làng cùng làm cửu vạn. Lên đây từ cuối năm 2007 đến nay, một số anh em cũng tích góp được chút ít vốn liếng gửi về quê cho gia đình trang trải cuộc sống và đóng học phí cho con cái”.

Được biết, trong nhóm anh Quyền còn có 3 người nữa trạc tuổi nhau. Cũng gần đến cái tuổi mà sức lực không cho phép để theo tiếp nghề cửu vạn, anh Quyền đang dự định vài năm nữa sẽ về quê dùng số tiền tích góp được bấy lâu nay và vay mượn thêm anh em, bà con để chăn nuôi, kiếm kế sinh nhai lâu dài. Từ đó, tạo điều kiện cho con cái được học hành tốt hơn, mong sao đời con không giống như đời của cha mẹ nó.

Ngồi bên dòng sông Nậm Thi mà anh Quyền và những người đàn ông kia không khỏi ngậm ngùi. Dòng sông uốn cong mình làm cho dòng nước như muốn trôi thật nhanh qua những ghềnh đá gồ ghề, giống như một bức tranh tương phản thật đầy đủ và đậm nét về cuộc đời, ước mơ nhỏ bé của những người cửu vạn.