Khu vườn tình yêu

ANTĐ - Xin các bạn hãy lắng nghe giai điệu tình yêu trong sự im lặng của núi rừng này… 

Khu vườn tình yêu ảnh 1Gia đình tiến sĩ Ti Lô và kỹ sư Thu Hiền cùng các con

Một cuộc tình lãng mạn 

Người đàn ông xuất hiện làm tôi nhớ mãi đó là Tiến sĩ Ti Lo Radler (Ti Lô) - Giám đốc của Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. Sau này, hỏi kỹ tôi mới hay khi đó ông đang  thực hiện ca đỡ đẻ cho một con voọc Chà vá, thuộc dòng linh trưởng có nguy cơ bị diệt chủng. Người cùng thực hiện ca đỡ đẻ này không ai khác chính là vợ ông, kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hiền. Vào những giây phút hồi hộp chờ đợi đầy hạnh phúc ấy, thì con Chà vá xinh xắn kia bỗng giật mình khi có tiếng nhạc bừng lên làm náo động cả khu vườn ở gần đó. Tiến sĩ Ti Lô lo lắng “cô bé” này không thể sinh nở, thế là ông đã chạy ra ngoài và lên sân khấu đòi mọi người hãy im lặng. Nước mắt ông đã rơi và cầu xin ông trời chúc phúc cho một sinh linh nhỏ bé được ra đời. Quả nhiên sau đó, mẹ tròn con vuông và là một thí nghiệm thành công đầu tiên của EPRC. 

Sau này, còn nhiều chuyện xảy ra mỗi khi Ti Lô nổi cơn giận dữ, vì ai đó xâm phạm rừng hay làm tổn hại đến những cá thể linh trưởng đang được chăm sóc và cứu hộ trong khu vườn cổ tích này. Đúng với tính cách của một công dân Đức, nóng bỏng đấy nhưng lại dịu dàng và ấm áp làm sao.

Nguyễn Thị Thu Hiền tâm sự, cô yêu Ti Lô cũng vì tính cách đó, một con người yêu động vật đến mê đắm, cho dù ông sinh năm 1942, hơn cô đến 30 tuổi. Khi cùng chồng xây dựng từng chuồng sắt để nuôi linh trưởng, gồm những nhóm động vật họ khỉ, như đười ươi, vượn, hay voọc… bao giờ Thu Hiền cũng chăm chút và trông nom như những đứa con của mình. Ba mươi chuồng lớn dần dần được hình thành, nay Trung tâm có tới 153 cá thể của 15 loài và phân loài sinh trưởng.

Đặc biệt Trung tâm rất tự hào, ở đây có 6 loài duy nhất được chăm sóc, nuôi dưỡng mà không nơi nào trên thế giới có được. Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn cổ tích của “bày trẻ” linh trưởng, cô kể đây đều là những cô, cậu voọc bị thương tật vì súng đạn hay bị bẫy nhốt được đem về từ nhiều nơi. Chúng được hai vợ chồng cô chăm nom như những đứa trẻ tội nghiệp. Linh cảm của những chú voọc đâu có khác gì người. Đôi mắt của chúng mới tội nghiệp làm sao. Đó là những đứa trẻ ngơ ngác trước sự tàn ác của con người. Những người thích ăn thịt thú rừng. 

Ngay từ những năm 1997, khi rời thủ đô lên rừng, Thu Hiền đã bị cảm hóa từ tình yêu thương động vật của Ti Lô. Thu Hiền bị hút hồn bởi một nhân cách sống hết mình vì những đôi mắt trẻ thơ của Ti Lô. Cô kể có lần nghe tin có một con voọc bị thương do bị một tay thợ săn bắn què, ở tận Bình Định. Thế là nửa đêm Ti Lô cùng đồng nghiệp lên xe từ Cúc Phương đi thẳng một lèo suốt đêm tới chiều hôm sau đến tận nơi để mua lại con voọc non nớt màu vàng đó. Thấy cô bé voọc xinh đẹp và đáng thương quá, Ti Lô đã lấy tên vợ đặt cho nó và luôn mồm gọi “Hiền ơi” làm cả đoàn ai cũng thấy vui và mới hay Ti Lô đã yêu những con vật nhỏ bé đến nhường nào. Sau này, con voọc đó đã được chăm sóc và nuôi dưỡng khỏe mạnh, mấy năm sau còn sinh nở nhân giống mới cho Trung tâm.

Vậy đó, chúng tôi vừa đi trong khu vườn, vừa nghe Thu Hiền kể chuyện và ngắm những con voọc với những đôi mắt tròn xoe đáng yêu. Chúng nhìn mọi người như biết được hết mọi chuyện. Thu Hiền đi tới đâu là chúng líu ríu, chí chóe thể hiện niềm vui như muốn tỏ bày sự lưu luyến và lời cảm ơn tới người mẹ thân yêu của mình. Thu Hiền kể có bé mới ra đời nhưng voọc mẹ lại không có sữa. Vậy là Thu Hiền phải pha sữa theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho chúng bú bình như mọi đứa trẻ mới chào đời. Mỗi lần như thế chú voọc con đều ngước mắt nhìn mẹ Hiền với sự trìu mến và dễ thương làm sao. Khi lớn dần chúng mới được ăn lá và sống với bầy đàn như trong tự nhiên. Đến ngả rẽ nào những chú voọc cũng ríu rít nhảy cẫng lên trong niềm vui. 

Không thể ví von gì hơn đây chính là một vườn trẻ đầy ắp những câu chuyện cổ tích tuổi thơ mà người viết nên những câu chuyện hay ấy chính là tình yêu lãng mạn của hai vợ chồng Ti Lô và Thu Hiền. Có lẽ chính vì sự đam mê công việc và tình yêu không thể chia xa giữa hai người mà gia đình của Thu Hiền đã chấp nhận Ti Lô là con rể. Một cuộc tình dễ đến mười năm mới được phép lên xe hoa vào năm 2000. Và hai năm sau, Thu Hiền sinh một chú bé “Linh trưởng” đầu tiên theo cách nói thân thiện và đúng với nghề nghiệp của hai người. Đó chính là cậu con trai đầu mang tên Khiem Nguyen Radler.

Ba năm sau, 2005, hai người có cậu con trai thứ hai đặt tên là Heinrich Nguyen Radler. Thu Hiền nói hiện cả hai con trai đều đi học ở trường làng thuộc xã Cúc Phương, như mọi đứa trẻ làng quê khác. Đặc biệt, cả hai cũng đều nhiễm tính bố và mẹ về sự yêu thương và ân cần với những chú voọc trong vườn. Và chúng vẫn hát cho những con voọc nghe những bài ca về ngôi sao trên bầu trời và những bông hoa ngát hương trong rừng cổ tích Cúc Phương. Khi ấy, chúng cười vui và những chú voọc cũng chíu chít niềm vui và còn vỗ tay lốp bốp…

Khu vườn tình yêu ảnh 2

Vẫn còn đó những ký ức thân quen

Tình yêu giữa Thu Hiền và Ti Lô ngày càng được nhân lên khi cả hai cùng say mê công việc. Thu Hiền đã thấu hiểu và được truyền cảm tình yêu thương con người từ Ti Lô. Với đúng nghĩa của nó, những con linh trưởng cùng nguồn gốc với con người, chúng đang có nguy cơ bị diệt chủng. Có loài còn được xếp vào tình trạng nguy cấp cần được cứu hộ với bất kể giá nào. Dù đã hơn 20 năm sống trong vườn cổ tích của mình, nhưng vợ chồng Ti Lô và Thu Hiền ngỡ mọi chuyện như mới bắt đầu. Nghĩa là biết bao điều còn phải làm, nào là kiếm thêm tài trợ và xin kinh phí để tiếp tục những đề tài mới, hoặc là chuyện đưa những cá thể linh trưởng trở về với thiên nhiên. 

Gia tài của Trung tâm hiện nay nhìn vào đâu cũng thấy thiếu, không ở khâu này thì khâu khác. Nhìn quanh vẫn còn đó chiếc ô tô già nua lầm lũi đi khắp mọi miền. Ti Lô và Thu Hiền đã hàng chục năm bon bon trên mọi nẻo đường để tìm đón những chú voọc mới trở về ngôi nhà của mình. Chiếc ô tô tràn đầy kỷ niệm với những chú khỉ non hay những con cu ly ngơ ngác không biết mình sẽ đi về đâu. Còn đó là những bữa ăn dọc đường cát bụi với cái bánh mì và chai nước lọc, cùng những ngọt bùi cuộc đời. Họ đi đón những cá thể linh trưởng thương tật và cô đơn run rẩy trước những họng súng lạnh lùng. Họ sẽ đưa chúng về với khu vườn cổ tích để chăm nom, vỗ về như những đứa con thân yêu trong gia đình. 

Vẫn còn đó là những hình ảnh mà Ti Lô đã ghi lại được trong những cuộc tranh chấp và giành giật sự sống cho những chú linh trưởng non nớt. Qua ống kính tay ngang của Ti Lô, những đôi mắt hoảng hốt và hồn nhiên của bày voọc đã được ghi lại tại những phút giây thoát khỏi thần chết của mũi súng, mũi tên. Không ai có thể ngờ tình yêu thiên nhiên và động vật của Ti Lô còn được thể hiện qua những tác phẩm nhiếp ảnh. Bởi ông đã chộp được những khoảnh khắc hiện lên cái thần của những con voọc qua ánh mắt đầy suy tư trước sự sống và cái chết.

Đó là những ánh mắt đã được con người chia sẻ và yêu thương. Chính bức ảnh, chụp con voọc mang tên Hiền, ngay giây phút đầu gặp gỡ, đã đoạt giải Ba trong Cuộc thi Ảnh toàn quốc về bảo tồn động vật. Trước đó, Thu Hiền còn cho biết chồng mình từng đoạt giải Nhất trong cuộc thi ảnh về chim ở Đông Âu và giải Ba ảnh chim ở châu Á… Thu Hiền còn nói thêm, hiện con voọc mang tên Hiền đã được 7 tuổi và cũng là cá thể sinh sản được lứa con đầu tiên ở Trung tâm. Một lát sau, Thu Hiền đem cả bộ ảnh mà Ti Lô đã chụp hơn 150 cá thể linh trưởng được nuôi nấng trong khu vườn cổ tích Cúc Phương. Thu Hiền khoe, đây là voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, hay kia là voọc đen tuyền, hay voọc Lào, coọc Cát Bà và coọc Chà vá chân xám… Nghĩa là những linh trưởng chỉ có ở Việt Nam được cứu hộ và nuôi nhốt để tìm cách đưa chúng về với thiên nhiên. 

Vĩ thanh

Đúng lúc đó Tiến sĩ Ti Lô vừa đi rừng về, đưa cho chúng tôi xem 8 mẫu của Bưu chính Viễn thông, đã lấy ảnh linh trưởng của ông để đưa lên tem. Và đây cũng là bộ tem được các nhà sưu tầm tem trên toàn quốc và thế giới thích thú tìm mua. Bởi đây là hình ảnh những chú voọc chỉ có ở Việt Nam. Mắt Ti Lô chợt long lanh với ánh sáng khác lạ, dịu dàng nhìn vợ rồi nở một nụ cười mãn nguyện. Ông nói vui, tôi có một vườn cổ tích mà vợ và hai con trai tôi là người cùng viết nên những câu chuyện thần tiên trong cánh rừng này. Nhìn những chú linh trưởng qua hàng trăm tấm ảnh mà Ti Lô ghi lại qua chiếc máy cũ kỹ của ông, chúng tôi như bắt gặp niềm vui qua ánh mắt và nụ cười bất chợt của những chú voọc xinh xẻo, hồn nhiên như những lời chào thân thiện và dường như ngỏ lời hẹn một mùa xuân đang tràn về bên cánh rừng nguyên sinh này.