Đằng sau quyết định biên chế “vội vã” khu trục hạm Type 052D của Trung Quốc (2):

Khu trục hạm 052D Trung Quốc gấp rút “nhập ngũ” chỉ vì Liêu Ninh

ANTĐ - Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã được đưa vào biên chế hơn 1 năm nay nhưng Trung quốc vẫn chưa xây dựng được biên đội tàu sân bay chính thức, do chưa có tàu hộ vệ và tàu khu trục hộ tống đủ mạnh. Khu trục hạm Type 052D vội vã “nhập ngũ” phải chăng vì nguyên nhân này?

Tìm hiểu quy trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí của Trung Quốc

Để giải đáp được vấn đề trên, cần phải xem xét quá trình nghiên cứu, chế tạo các loại trang bị của Hải quân Trung Quốc. Hầu như tất cả các kế hoạch phát triển trang, thiết bị quân sự Trung Quốc thường tuân thủ theo quy trình: Lập kế hoạch nghiên cứu - nghiên cứu chế tạo - lắp ráp trang bị - thẩm định.

Kỳ 1: 4 nghi vấn lớn trong lễ bàn giao khu trục hạm 172 Côn Minh
Vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã làm lễ tiếp nhận tàu khu trục phòng không thế hệ mới Type 052D đầu tiên mang số hiệu 172 Côn Minh. Điểm đặc biệt nhất là lễ biên chế chiếc tàu này được tổ chức dường như quá vội vã, có phần “cẩu thả” tại chính nhà máy đóng tàu chứ không phải tại một căn cứ hải quân của hạm đội Nam Hải. Vậy điều gì đã xảy ra với chiếc tàu khu trục này?

Về vấn đề chất lượng trang bị, có đáp ứng yêu cầu hay không phần lớn phụ thuộc vào các chỉ tiêu và tham số kỹ thuật định hình trong giai đoạn “Lập kế hoạch nghiên cứu” và “nghiên cứu chế tạo”. Một khi đã định hình vũ khí, trang bị thì rất khó có những thay đổi lớn. Vì vậy, 2 giai đoạn đầu có tính chất quyết định đối với cả quy trình.

Trong giai đoạn lập kế hoạch nghiên cứu, thường được chia thành các giai đoạn là: Nhu cầu, điều tra nghiên cứu, luận chứng và thiết kế.

Việc xác định một lớp tàu mới đầu tiên phải căn cứ theo nhu cầu. Khởi nguồn của nhu cầu xuất phát từ hai phương diện.

Thứ nhất là theo yêu cầu từ trên xuống dưới, có nghĩa là do cấp trên chỉ thị, sau khi khảo sát nhu cầu trên cơ sở chiến lược quân sự và nhu cầu chính trị quốc gia. Thứ hai là theo yêu cầu từ dưới lên trên, lực lượng tác chiến căn cứ vào mục đích sử dụng để đề xuất yêu cầu với cấp trên.

Điều tra, nghiên cứu là trực tiếp lấy ý kiến và đề xuất từ lực lượng sử dụng tuyến một. Nhân viên trong tổ điều tra nghiên cứu vô cùng đông đảo, bao gồm các nhân viên liên quan đến Tổng bộ trang bị Trung Quốc, Viện thiết kế, cơ quan kiểm định và các chuyên gia trong và ngoài quân đội.

Sau điều tra, nghiên cứu là giai đoạn luận chứng, do cơ quan luận chứng quân đội là Viện Nghiên cứu trang bị hải quân tiến hành. Viện này không phải là cơ quan trực thuộc Cục trang bị hải quân mà là cơ cấu tư vấn của cả quân chủng hải quân.

Nội dung luận chứng chủ yếu là phân tích nhu cầu tác chiến, tính tất yếu, các công nghệ khả thi, tính năng sử dụng tác chiến và sứ mệnh nhiệm vụ; tính năng sử dụng tác chiến chủ yếu của chủng loại vũ khí, phương án tổng thể sơ bộ, các phương án so sánh, phân tích năng lực tác chiến, điều kiện bảo đảm, thời gian nghiên cứu, dự trù kinh phí, kết luận và kiến nghị…, cuối cùng là báo cáo luận chứng tổng hợp.

Giai đoạn nghiên cứu chế tạo: Thiết kế phương án sơ bộ, phương án chi tiết, ban hành quyết định nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật sơ bộ, kỹ thuật chi tiết… Trong mỗi khâu đều phải thẩm định và đánh giá, nếu không qua thẩm định thì không thể bước vào giai đoạn tiếp theo được.

Bộ đội là 1 bên tham gia các khâu thẩm định, đề xuất ý kiến thông qua sử dụng tác chiến và sử dụng thường ngày; bên bị thẩm định phải thực hiện tất cả những kiến nghị mà phía thẩm định đưa ra. Có thể nói, toàn bộ quá trình nghiên cứu chế tạo ra một thế hệ tàu mới, ý kiến của bộ đội - những người trực tiếp sử dụng, điều khiển được tuyệt đối tôn trọng và chấp hành.

Giai đoạn kế tiếp là đóng tàu, chịu trách nhiệm chính là nhà máy chế tạo. Trong giai đoạn chạy thử, công việc kiểm nghiệm tính năng và những ưu, nhược điểm của tàu cũng do nhà thầu công nghiệp đảm nhiệm, có nhiều vấn đề tiểu tiết về trang bị vũ khí, đa phần được phát hiện sau khi đã trang bị cho bộ đội. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội lại là học tập thao tác điều khiển tàu và sử dụng các trang, thiết bị.

Bộ phận hướng dẫn của nhà máy đóng tàu sẽ huấn luyện thực hành các thao tác sử dụng cho bộ đội, sau đó tiến hành sát hạch. Nếu không đạt tiêu chuẩn thì sẽ không nhận được chứng chỉ và cũng không thể điều khiển tàu được. Đây chính là quy định bắt buộc nằm trong “Điều lệnh công tác tiếp nhận tàu” của Hải quân.

Đổi mới quy trình thử nghiệm và yêu cầu hộ tống tàu sân bay

Nhận thấy những bất cập trong quy trình thử nghiệm chiến hạm, đã có ý kiến đưa ra rằng đối với việc nghiên cứu chế tạo trang bị vũ khí mới nên trải qua các khâu như lập kế hoạch nghiên cứu - nghiên cứu chế tạo - dùng thử và cải tiến rồi mới bàn giao chính thức. Ý kiến này nhấn mạnh vào quá trình dùng thử và phản hồi của bộ đội, nâng cao vai trò của người sử dụng tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển trang bị.

Đối với các tàu quân sự, bộ đội nên được tham gia ở khâu chạy thử tại nhà máy, ngay sau khi tàu đã đóng xong. Trong quá trình chạy thử, chỉ có bộ đội tham gia đánh giá và có quyền đưa ra kiến nghị, đề xuất của mình. Kết thúc giai đoạn này, đại diện quân đội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về kết quả thử nghiệm để nhà thầu tiếp nhận những ý kiến xuất phát từ thực tiễn hoạt động quân sự.

Nhìn lại lễ thượng cờ của tàu khu trục Type 052D, có quan điểm cho rằng, tàu này rất nhanh được đưa vào biên chế, điều này không có nghĩa là chưa hoàn thành đã đưa vào sử dụng. Ngược lại, người sử dụng có cơ hội chạy thử để đưa ra những ý kiến cũng như những vấn đề phát hiện ra, nhanh chóng phản hồi để nhà thầu kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn tác chiến.

Đánh giá từ góc độ này, cũng có thể hiểu tại sao chiếc tàu đầu tiên Type 052D làm lễ bàn giao tại nhà máy chứ không phải tại căn cứ hải quân. Cũng có thể nói, Hải quân Trung Quốc đặc biệt coi trọng chiếc tàu khu trục này. Sau khi gia nhập vào lực lượng tàu chiến của hải quân, nó mới trải qua quá trình chạy thử và kiểm định, như vậy mới nâng cao được sức chiến đấu.

Trung Quốc hiện vẫn chưa có một biên đội tàu sân bay hoàn chỉnh nên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh không thể chạy không một mình trên biển. Do vậy, nhu cầu cấp thiết của hải quân Trung Quốc chính là có biên đội tàu mặt nước để bảo vệ tàu sân bay. Tuy Trung Quốc có tàu khu trục Type 052C, nhưng số lượng và tính năng đều chưa đáp ứng được yêu cầu tác chiến của một biên đội tàu sân bay đúng nghĩa.

Tàu khu trục Type 052D được chế tạo trên cơ sở 052C nhưng hệ thống hỏa lực và trình độ thông tin hóa được cải tiến vượt trội. Như vậy cũng không ngoại trừ khả năng, sau khi được đưa vào biên chế tàu khu trục Type 052D sẽ gia nhập vào biên đội tàu sân bay để thử nghiệm, sau khi tích lũy kinh nghiệm, sẽ tiến hành nâng cấp ở thế hệ tàu tiếp theo.

Tàu sân bay Liêu Ninh đã có kinh nghiệm thử nghiệm huấn luyện ở biển Đông, trong tương lai rất có thể xuống biển Đông tiếp tục huấn luyện. Tàu khu trục Côn Minh biên chế cho Hạm đội Nam Hải rất có thể sẽ sử dụng những kinh nghiệm quý báu thu được trong quá trình huấn luyện của tàu sân bay để nâng cao năng lực tác chiến cho Type 052D, làm tốt công tác chuẩn bị tác chiến hộ tống cho tàu sân bay Liêu Ninh trong tương lai.