Không “xử” nghiêm, dễ “nhờn”

ANTĐ - Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội thông tin, cơ quan này vừa có quyết định xử phạt hành chính bằng tiền đối với một cá nhân về hành vi cố ý vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu (gà); đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vận chuyển. 

Ở đây, phương tiện bị cơ quan chức năng ra quyết định tịch thu là chiếc xe ô tô chở gà lậu. Lý do: xe sử dụng biển kiểm soát giả, nên đã “tương thích” với quy định xử phạt được nêu tại điểm c, khoản 13, Điều 22 Nghị định (NĐ) 06/2008/NĐ-CP ngày 16-1-2008 của Chính phủ, được bổ sung theo NĐ 112/2010/NĐ-CP ngày 1-12-2010 của Chính phủ. Đại ý quy định nêu, phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu sẽ bị tịch thu nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó...

Không chỉ cá nhân kinh doanh gà lậu trên phải “tởn” đến già, mà chắc chắn một điều, nếu quy định cụ thể nêu trên lâu nay được “tìm ra” và áp dụng nghiêm túc, quyết liệt, công bằng, thì hiện tượng kinh doanh hàng lậu ở Hà Nội nói riêng, đã không diễn biến phức tạp.

Từ câu chuyện của xe chở gà lậu đeo biển kiểm soát giả bị tịch thu, nhìn lại 2 vụ việc gần đây: 2 chiếc xe khách từ Hải Phòng và Quảng Ninh về Hà Nội, bị phát hiện chở hàng lậu (điện thoại di động), hàng cấm (thuốc lá). Phụ xe khách chở hàng cấm tường trình: “Khách đến gửi vận chuyển một túi hàng được bọc kín, không biết là hàng gì và không biết là thuốc lá – hàng cấm, nên đã nhận và nhồi lên thùng xe”. Còn lời khai của phụ xe chở hàng trăm chiếc điện thoại di động, dấu hiệu tiếp tay cho hàng lậu vào nội địa bộc lộ rất rõ: “hàng” được giấu trong hầm bí mật trên xe, và được xếp trước khi khách ngồi kín chiếc xe giường tầng. Hơn 1 tuần sau khi 2 vụ việc này bị kiểm tra, phát hiện, vẫn chưa có động thái xử lý nhà xe, nhân viên phụ xe, lái xe cũng như phương tiện.

Vụ vận chuyển gà lậu, đơn vị vừa ra quyết định tịch thu phương tiện đánh giá: việc tịch thu phương tiện là hình phạt mạnh mẽ nhất nhằm răn đe các tổ chức, cá nhân có ý định kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Khó khăn mà cơ quan chức năng hay đề cập trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng cấm là không có, hoặc chế tài yếu. Nhưng thực tế là nhiều trường hợp vi phạm, chế tài đủ mà vẫn không được áp dụng. Biết bao nhiêu vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, và sau biết bao năm, giờ, Hà Nội mới lần đầu “xử điểm” – tịch thu được một trường hợp “buôn” gà lậu!