Không tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm

ANTĐ - Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh. Lưu ý, với những người phải tiếp xúc với gia cầm không vì quá lo lắng mà tự ý uống thuốc dự phòng.
Không tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm ảnh 1

- PV: Diễn biến dịch cúm gia cầm hiện nay khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng. Xin ông cho biết những biện pháp cụ thể để phòng lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người?

- TS Nguyễn Nhật Cảm: Để phòng lây nhiễm virus cúm từ gia cầm sang người, mọi người dân không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch thú y. Trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm thì phải có phương tiện bảo hộ gồm găng tay, khẩu trang, ủng và quần áo bảo hộ. Tốt nhất nên sử dụng loại khẩu trang y tế 2-3 lớp. Với người chăn nuôi gia cầm, cần phải chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng thuốc sát khuẩn, khi tiếp xúc với gia cầm cũng phải sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ nói trên. Tuyệt đối không làm thịt gia cầm ốm, bệnh để ăn. Với người dân khi mua gia cầm về làm thịt chỉ nên mua gia cầm có đóng dấu kiểm dịch thú y. Nếu mua gia cầm sống thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ và trong quá trình giết thịt cũng phải đeo găng tay, khẩu trang để phòng bệnh.

- Những người chăn nuôi, giết mổ gia cầm thường xuyên, khó tránh khỏi việc phải tiếp xúc với gia cầm ốm, bệnh, hay ăn phải thịt gia cầm bệnh. Trường hợp này, có cách nào để phòng bệnh?

- Với người chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm, bệnh chết thì phải lập tức khai báo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương để được phân loại, xử lý và khoanh vùng ổ dịch kịp thời. Những người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn phải thịt gia cầm ốm, bệnh chết, nếu có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở cũng phải lập tức khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế, rồi đến ngay bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị. Người dân không được tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm (thuốc tamiflu) bởi đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý điều trị sẽ không hiệu quả mà còn dẫn đến kháng thuốc. 

- Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang rất nóng bỏng và nguy cấp, ngành y tế Hà Nội có động thái gì để chủ động phòng chống bệnh lây từ gia cầm sang người, hạn chế số người mắc, tử vong?

- Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân nói riêng, dịch cúm gia cầm lây sang người nói chung. Ngay sau cuộc họp này, TTYTDP thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên. Đồng thời, mỗi quận/ huyện cũng sẽ thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội 5-7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để. 

- Cảm ơn ông!