Không tìm mọi cách chụp ảnh với động vật hoang dã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đó là một trong một trăm thông điệp ngắn mà nhà bảo tồn động vật Trang Nguyễn đã thực hiện từ năm 2016 tới năm 2018. Sau đó, cô tập hợp những điều “nhỏ nhặt” này thành cuốn sách cùng tên “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái đất” nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Sở dĩ Trang Nguyễn đã chọn con số 100 đơn giản chỉ là đó là một con số đủ để tập cho bản thân Trang một thói quen, cho thấy một hành trình kiên trì – điều vô cùng quan trọng quyết định cho bất cứ thành công nào.

Là một nhà bảo tồn động vật hoang dã, Trang Nguyễn đã được đi nhiều nơi và tiếp xúc trực tiếp, cô rất hạn chế, gần như tuyệt đối chụp ảnh cùng động vật hoang dã. Bởi Trang hiểu rằng, chính sự bắt mắt từ những bức ảnh đó có thể khiến nhiều người muốn chụp cùng động vật hoang dã mà không màng đến hậu quả, như một số con bị sốc, sợ hãi, căng thẳng và chết.

Đã có nhiều loài động vật hoang dã trở thành nạn nhân của ngành du lịch, giải trí, đặc biệt là dịch vụ chụp ảnh cùng động vật hoang dã. Đầu năm 2016, một chú cá heo La Plata quý hiếm bị giết bởi một đám đông tìm cách chụp ảnh selfie với chú. Chú cá heo bị mắc cạn và thay vì đưa chú về biển một cách an toàn thì hàng trăm người tóm lấy và thay phiên nhau chụp ảnh selfie. Chú cá heo bị ngạt và chết.

Một vài bức ảnh "độc lạ", "bắt mắt" thu hút trăm, ngàn lượt like trên mạng xã hội có thể là vấn đề đơn giản với một số người. Thế nhưng đằng sau một trăm, một ngàn bức ảnh như vậy lại là hàng trăm phút, hàng trăm giờ các loài động vật bị nuôi giữ.
Trong "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái đất", tác giả Trang Nguyễn còn chia sẻ về những thói quen ngay từ khi còn nhỏ như không xem xiếc thú hay bắt đầu hạn chế dùng trà, cà phê túi lọc, không thả cá, chim phóng sinh, hạn chế mua sản phẩm sơ chế sẵn, dùng vỏ dừa làm chậu cây rồi tặng hạt cây cho bạn bè, không uống cà phê chồn…

Sách còn kể về môi trường sống của Gorilla ở Congo bị mất dần do việc khai thác Coltan, thành phần không thể thiếu cho sản xuất điện thoại di động.

Sách còn kể về môi trường sống của Gorilla ở Congo bị mất dần do việc khai thác Coltan, thành phần không thể thiếu cho sản xuất điện thoại di động.

Mỗi hành động được miêu tả ngắn gọn trong 2 – 3 trang sách, thông tin thuyết phục bởi tính khoa học. Nhiều hành động quen thuộc trong đời sống như thả cá, thả chim phóng sinh, dùng cà phê chồn… có thể gây ra những mối hại với môi trường.

Ví như việc thả cá, chim phóng sinh, đây là một hành động có trong văn hóa của Việt Nam và mang ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng trong cuộc sống tiêu dùng nhanh như hiện nay, để đem những loài động vật đó đến cho người mua thì quá trình săn, bắt khiến nhiều cá thể bị chết và thậm chí, nhiều cá thế bị chết trong quá trình vận chuyển, chuồng chật hẹp…

Hay sự nở rộ của cà phê chồn khiến nhiều chú chồn hoang dã bị bẫy, bị nuôi nhốt trong những chiếc chuồng chật hẹp và ép phải ăn cà phê. Thậm chí, nhiều trang trại chỉ cho chúng ăn quả cà phê chứ không kèm bất kỳ loại thức ăn nào khác. Nhiều chú chồn bị suy dinh dưỡng, bị tiểu đường, bị say cà phê…

Đó chỉ là một vài những điều tưởng chừng “nhỏ nhặt” nhưng nhiều người đang có trong thói quen của mình. Điều thú vị trong cách truyền đạt của tác giả là thay vì chỉ trích, đứng về phe đối đầu cuốn sách khiến người đọc cảm thấy ngộ ra nhiều điều.

“Tôi không thể lấy đi những tiện nghi về cuộc sống hiện đại của mọi người cũng như bài xích thái quá những người khác mình. Mỗi câu chuyện nhỏ tôi kể trong cuốn sách không phải mang tính bắt buộc mọi người thực hiện mà chỉ mong rằng năng lượng tích cực trong từng trang sách sẽ được truyền đi”, tác giả Trang Nguyễn chia sẻ.

Trang Nguyễn nhận được nhiều giải thưởng về môi trường như "Future for Nature", "100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2019" của BBC...

Trang Nguyễn nhận được nhiều giải thưởng về môi trường như "Future for Nature", "100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2019" của BBC...

Chính vì vậy, đọc từng câu chuyện về hành động của tác giả, độc giả có thể nhận ra rằng tác giả đã đưa ra một số gợi ý, cách mới thay thế cho cách cũ.

Như việc thói quen dùng túi nilon có thể thay thế bằng túi vải, vừa để tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Thay vì vứt rau củ, có thể dùng để ủ phân xanh hoặc tận dùng trồng cây mới. Mỗi câu chuyện mang tính khoa học nhưng rất giản dị, gần gũi với đời sống.

Trong quá trình thực hiện, đã nhiều lần bạn bè Trang từng nói với cô rằng “bị hâm à”, “tại sao phải như thế”. Nhưng đây cũng là lý do thôi thúc cô thực hiện 100 hành động để chứng minh cho mọi người có nhiều cách làm tốt cho môi trường.

Một điều đặc biệt tác giả viết ở cuối cuốn sách, “Hãy là một người tử tế”. Câu chuyện bắt nguồn từ những tin nhắn trên facebook, email chỉ trích rằng hành động của cô là… dở hơi. Bản thân cô trải qua những khoảnh khắc đó trong sự buồn bực và đôi lần tự hỏi rằng điều mình đang làm liệu có đúng.

Dần dần, cô học được cách tránh xa năng lượng tiêu cực đó và nghĩ đơn giản rằng, điều có thể thay đổi được mọi thứ là lòng tốt, tử tế và bao dung. Sự tử tế không chỉ bao gồm giữa người với người mà còn là tử tế giữa con người với thiên nhiên.