Không "tiêu" được vốn ODA, nhiều bộ ngành, cơ quan xin trả lại

ANTD.VN - Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng qua, phần mềm quản lý ngân sách (Tabmis) của Bộ này đã ghi nhận đề nghị được trả lại kế hoạch vốn của nhiều Bộ, đơn vị do không tiêu hết hoặc dự toán chi sai.

Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020 hôm nay, 25/6. 

Bộ Tài chính cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước, các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi thậm chí còn chịu nhiều tác động nặng nề hơn từ đại dịch này. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, chỉ trong quý I/2020, Bộ Tài chính đã có 5 lượt văn bản đôn đốc các Bộ, ngành địa phương sớm phân bổ và nhập Tabmis số dự toán được giao để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời cũng đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán. 

Theo đó, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng trong đó số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào hệ thống Tabmis là 56.700 tỷ đồng.

Việc giải ngân vốn ODA đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Theo số liệu trên hệ thống Tabmis, tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỷ đồng).

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng đề nghị trả lại kế hoạch vốn, như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/ 3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác.

Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch. 

Bộ Kế hoạch đầu tư giao sai dự toán như giao cho Bộ GD&ĐT và 16 tỉnh tham gia Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 vay ADB từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.

Số còn lại chưa phân bổ, theo thông tin từ các cơ quan chủ quản, chủ yếu do đến cuối năm 2019, nhiều dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để thực hiện; hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.

Về tình hình giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.

Trong đó, giải ngân của các Bộ, ngành Trung ương đạt 2.815 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,46% so với dự toán được giao; Giải ngân của các địa phương 4.611 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,98% so với dự toán được giao.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020, cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/ 7,427 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước kiểm soát chi qua KBNN đạt khoảng 28,2% kế hoạch).

Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.