Không thể ỷ lại Nhà nước

ANTĐ - Nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa lên tiếng “kêu cứu” lần thứ hai trong vòng 2 năm. Lần này được xem là khẩn thiết và cấp bách hơn khi Việt Nam chính thức gia nhập các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Cơ quan Năng lượng quốc tế vừa đưa ra nhận định, giá dầu thế giới rất khó hồi phục trong ngắn hạn. Hiện giá dầu vẫn ở mức thấp, cung vẫn vượt cầu ở mức 1,1 triệu thùng/ngày. 

Ở trong nước cũng đang diễn ra nghịch lý, sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất rơi vào tình trạng khó tiêu thụ, ế ẩm ngay trên thị trường trong nước. Nguyên nhân dẫn đến nghịch cảnh thua trên sân nhà là bởi chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của nhà máy này với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của sản phẩm dầu diesel và xăng máy bay Jet A-1.

Khó khăn lớn nhất mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể gồng mình vượt qua chính là do cơ quan chức năng chưa có sự điều chỉnh về thuế suất nhập khẩu ưu đãi với sản phẩm của nhà máy, trong khi tất cả khách hàng của họ lại đề nghị phải giảm giá hơn nữa khiến cho kế hoạch kinh doanh trong năm nay đối mặt với nhiều rủi ro. Cần nói cho rõ thêm, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay, xăng dầu chiếm tỷ lệ hơn 90%. Điều này có nghĩa, mức thuế cao áp dụng cho các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu số 1 Việt Nam sẽ  ảnh hưởng lớn tới hoạt động của nhà máy này. Đơn giản bởi khách hàng trong nước chẳng dại gì bỏ tiền mua sản phẩm giá cao dù rất có ý thức “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Giới chuyên gia đã từng lên tiếng cảnh báo, ngoài việc tạo ra cơ hội, các hiệp định thương mại tự do mà nước ta ký kết còn buộc các doanh nghiệp phải tự thân vận động để vượt qua những hạn chế, yếu kém cố hữu, tăng khả năng ứng phó, sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp không thể ỷ lại, trông chờ mãi vào Nhà nước, nếu không muốn thua cuộc trong hội nhập, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Không thể duy trì mãi việc cứ gặp khó là “kêu cứu” và chờ đợi được “giải cứu” bằng cơ chế, chính sách.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những tập đoàn, tổng công ty lớn rất ý thức và chuẩn bị khá kỹ để vượt qua những “chông gai” trên con đường hội nhập. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể, nếu đúng là chính sách “trói tay” doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng cần khẩn trương vào cuộc để xem xét kỹ lưỡng vấn đề, tìm cách tháo gỡ ngay các khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng được lợi thế cạnh tranh mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.