- Quận Cầu Giấy cưỡng chế, xử lý công trình xây dựng vi phạm
- Cưỡng chế, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 84 đường Láng
- Hà Nội lập đoàn kiểm tra công trình vi phạm trật tự xây dựng tại khu biệt thự phường Yên Hòa
Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:
Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và cộng sự Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội |
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21-12-2012; Luật Đất đai 29-11-2013; Luật Xây dựng ngày 18-6-2014 sửa đổi bổ sung một số Điều ngày 17-6-2020; Luật Nhà ở ngày 25-11-2014 và Luật Bảo vệ môi trường ngày 23-6-2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyêt định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 13-1-2022 về Ban hành quy định chi tiết một số nội dung về giấy phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nguyên tắc cấp phép, thẩm quyền cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, khi có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì sẽ được cấp phép xây dựng nhà. Cụ thể, Điều 4 của quyết định nêu trên quy định: Công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng mới tối đa được xây bốn (4) tầng nổi, không xây dựng tầng lửng, tầng hầm hoặc bán hầm; chiều cao công trình tính đến mái tầng 4 không quá 15m; trên mái có thể có tum thang (tum thang chỉ có chức năng sử dụng để bao che lồng cầu thang bộ/giếng thang máy và che chắn các thiết bị kỹ thuật của công trình (nếu có), có diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái, chiều cao tối đa không quá 3m). Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ sửa chữa, cải tạo thì quy mô sau khi sửa chữa cải tạo không vượt quá quy mô tại điểm a khoản 1 Điều này. Trường hợp công trình, nhà ở riêng lẻ có quy mô hiện trạng lớn hơn quy mô xác định nêu tại điểm a khoản này thì được sửa chữa, cải tạo giữ nguyên trạng.
Chủ sở hữu của công trình sẽ phải bồi thường nếu việc xây dựng làm ảnh hưởng, thiệt hại cho hộ liền kề (Ảnh minh họa) |
Về thời hạn tồn tại của công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày được cấp giấy phép xây dựng. Khi hết thời hạn tồn tại của công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn mà quy hoạch chưa thực hiện thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng thông báo việc gia hạn thời gian tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn khi chủ đầu tư có yêu cầu... Và sau khi chủ đầu tư được cấp phép xây dựng thì phải chấp hành theo quy định tại Điều 9 - Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26-1-2021 của Chính phủ. Theo đó, việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn trong thi công xây dựng công trình. Khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức giám sát thi công xây dựng, lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở riêng lẻ theo quy định của Nghị định này. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng trong trường hợp nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình.
Căn cứ quy định trên nêu thì việc xây dựng nhà có phép nhưng không đảm bảo thi công công trình sẽ bị đình chỉ thi công. Trường hợp công trình nhà liền kề thi công khi thực hiện sai vị trí, sai phép, sai thiết kế thì sẽ bị xử lý theo quy đinh tại Nghị định 130/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, chủ nhà còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại khi gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác... Và buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Từ quy định nêu trên có thể thấy việc gia đình hàng xóm xây dựng gây ảnh hưởng đến gia đình bạn thì khi bạn có đơn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật và gia đình bạn có quyền giám sát việc xử lý công trình vi phạm đảm bảo quyền lợi của gia đình mình. Mặt khác, căn cứ Điều 605 - Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra thì “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”.
Đối với công trình của gia đình bạn xây dựng từ năm 2013 và đang bị tố cáo xây dựng sai phép thì theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì không còn thời hiệu để xử lý. Cụ thể, Điều 6 - Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm... Do đó, với công trình dựng nhà bạn đã thi công xong từ năm 2013 thì hành vi vi phạm đã kết thúc. Tính đến thời điểm năm 2015 đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của gia đình bạn. Tuy nhiên, hiện nay bạn vẫn đang băn khoăn về việc UBND phường đã thụ lý giải quyết đơn tố cáo gia đình bạn vi phạm xây dựng từ năm 2013. Theo chúng tôi, việc thụ lý đơn là đúng quy định theo Luật Tố cáo. Vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng sẽ giải quyết việc này như thế nào. Và như đã nêu ở trên, thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi này đã hết hiệu lực.
Về hành vi gia đình hàng xóm có hành vi gây áp lực, đe dọa khiến bố mẹ bạn phải nhập viện điều trị, theo chúng tôi, nếu sự việc đúng như bạn nêu thì hành vi của những người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Để ngăn chặn hành vi sai phạm đó cũng như tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc cho các bên sau này thì gia đình bạn cần làm đơn trình báo đến cơ quan công an phường và công an quận để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.